- Các bài giảng về lịch sử online đã từng bước được số hóa, tạo sự tương tác cao, giúp học sinh có môi trường học tập hấp dẫn.
Thực hiện Chương trình phối hợp giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh thông qua các di tích lịch sử, thiết chế văn hóa giữa Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh và với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, ngành đã triển khai điểm chương trình giờ học lịch sử online từ tiết dạy Giáo dục địa phương (theo chương trình sách giáo khoa mới). Qua hai năm triển khai, chương trình với những kiến thức bổ ích, trải nghiệm lý thú được đông đảo giáo viên và học sinh đón nhận.
Để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục này, Sở đã triển khai điểm mô hình tại các trường học, cấp học, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng đến các trường, ở các cấp học trong toàn tỉnh.
Một tiết học lịch sử online ở Bắc Ninh (Ảnh: SGD) |
Đến nay, toàn tỉnh đã có 34 tiết học lịch sử online được tổ chức ở cả ba cấp học với độ bao phủ và quy mô tăng dần. Thay vì kết nối trực tuyến một chiều chỉ nghe và nhìn, đến nay học sinh đã có thể tương tác với hướng dẫn viên tại điểm cầu để trao đổi thêm về những điều mình quan tâm. Ở mỗi giờ học đó, ngành Giáo dục ghi lại hình ảnh thành tài liệu học tập để phát cho học sinh nghiên cứu ở những buổi học sau.
Cô Lưu Thị Kim Anh, Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Tiền An, thành phố Bắc Ninh cho biết: Để triển khai các giờ học lịch sử online, nhà trường đã bố trí hệ thống đường truyền và tivi tới các phòng học. Những tiết học lịch sử online rất gần gũi, truyền tải lịch sử dễ hiểu, dễ nhớ và có tính tương tác cao giúp học sinh hào hứng, phấn khởi hơn với môn học này. Với giáo viên, dù đã có giáo trình riêng được Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn nhưng khi được cán bộ chuyên môn di tích giới thiệu sẽ biết thêm cách diễn đạt mới để truyền tải cho học sinh. Nhà trường mong muốn phương pháp học lịch sử mới này sẽ được triển khai nhiều hơn trong các năm học tới.
Không chỉ giáo viên, học sinh hào hứng với giờ học này mà còn giúp cán bộ hướng dẫn di tích rèn luyện sự chỉn chu, chu đáo trong chọn lọc kiến thức và cách thể hiện. Anh Nguyễn Hữu Chiến, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng: Khi dẫn trực tiếp qua màn ảnh nhỏ và đối tượng là các bạn học sinh nên mình lại phải linh hoạt hơn, chắt lọc kiến thức để giúp các em có thể dễ nhớ nhất về di tích mà mình giới thiệu. Đây là một chương trình rất hay, giúp các bạn ngồi ở lớp vẫn có thể đến được di tích và hiểu được giá trị di tích. Bản thân những người làm công tác bảo tồn di tích cũng rất vui vì giá trị di sản quê hương đến gần với công chúng.
Hướng dẫn viên tại điểm cầu chia sẻ thông tin liên quan đến tiết dạy |
Đánh giá về hiệu quả của giờ học lịch sử online, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: Với sự hào hứng tham gia của học sinh, có thể thấy mô hình giờ học lịch sử online đã phát huy hiệu quả, tính tích cực, chủ động của các em trong lĩnh hội tri thức. Rõ ràng các em vẫn có niềm đam mê với lịch sử và đòi hỏi thầy cô thay đổi phương pháp giảng dạy để phù hợp hơn với thế hệ trẻ đang lớn lên trong môi trường số hóa. Từ đó góp phần bồi đắp, giáo dục học sinh niềm tự hào, tình yêu đối với truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước.
Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có đánh giá, tổng kết mô hình giờ học lịch sử online nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình. Cùng với đó, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần trang bị kiến thức và kỹ năng để học sinh Bắc Ninh tự tin bước vào thời đại số.
Nằm trong chương trình giáo dục địa phương, giờ học lịch sử online là một sáng kiến của ngành Giáo dục tỉnh Bắc Ninh trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và đổi mới phương thức dạy và học môn lịch sử. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với Bắc Ninh- vùng địa linh nhân kiệt với nền văn hóa lâu đời, giàu truyền thống lịch sử, khoa bảng, văn hiến và cách mạng. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như cụ thể hóa Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 31/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 – 2020”...
Cùng với đó, ngành Giáo dục tỉnh Bắc Ninh cũng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động số hóa, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện số hóa, sử dụng văn bản, sổ điểm, học bạ điện tử... thay thế văn bản giấy. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, hội họp, tập huấn được thực hiện thường xuyên trên môi trường mạng; triển khai thí điểm thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt, dự kiến triển khai đồng loạt từ năm học 2024-2025; cấp chữ ký số tập trung cho 100% giáo viên.
Đặc biệt, cổng thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục được liên thông, duy trì thường xuyên, hình thành các kho học liệu số, học liệu mở dùng chung đáp ứng nhu cầu tự học, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; hướng dẫn việc sử dụng thiết bị dạy học số thay thế thiết bị dạy học thông thường, vừa tiết kiệm chi phí lại tăng tính hấp dẫn của bài học, giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn.