- Trước kỳ vào lớp 10 THPT của Sở Giáo dục Hà Nội, các thầy cô giáo Tổ Tiếng Anh - Hệ thống giáo dục HOCMAI đã gửi tới các thí sinh những lời dặn dò quý giá.
Quan trọng hơn hết là các em cần chuẩn bị một tâm lí vững vàng để bước vào kì thi quan trọng này |
Nhận định về đề minh họa môn Tiếng Anh, các thầy cô HOCMAI cho biết, năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Do đó, đề thi tuyển sinh vào 10 năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như đề thi tuyển sinh vào 10 năm 2023, không gây ra sự xáo trộn trong việc ôn tập của thí sinh, phù hợp với mục tiêu tuyển sinh vào các trường THPT trên địa bàn Hà Nội.
Về cấu trúc và phạm vi kiến thức: Đề thi gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút. Phạm vi kiến thức được hỏi chủ yếu nằm trong chương trình Tiếng Anh lớp 9, phần còn lại nằm rải rác ở các lớp thuộc cấp THCS. Số lượng câu trong mỗi phần không thay đổi, không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ, câu hỏi cực khó. Tuy nhiên, có một số dạng bài có sự thay đổi nhẹ khi giảm số lượng câu hỏi ngữ pháp, tăng câu hỏi từ vựng như dạng bài hoàn thành câu và điền từ vào đoạn văn.
Về độ khó của đề thi, theo nhận định của Tổ Tiếng Anh, khoảng 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và 30% phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Các câu hỏi ở mức nhận biết – thông hiểu là các câu hỏi ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng cơ bản, thường nằm trong chương trình học trong SGK. Tuy nhiên, các câu hỏi vận dụng – vận dụng cao là các câu hỏi ngữ pháp hoặc từ vựng nâng cao, đòi hỏi học sinh trong quá trình học cần tích lũy và mở rộng kiến thức hoặc câu hỏi ở dạng bài điền từ, đọc hiểu và viết; ví dụ như câu số 7, 8, 14, 21, 25, 36.
Cần ôn luyện toàn diện
Đánh giá mức độ đề như hiện tại thì các thí sinh hoàn toàn yên tâm ôn tập, các thầy cô HOCMAI nhấn mạnh một số lưu ý và định hướng ôn tập sau khi Sở Hà Nội công bố đề minh họa.
Trước hết, các em không nên hoang mang hay quá lo lắng sau khi thử sức với đề thi minh họa vì bản chất đề minh họa là để định hướng ôn tập, dù điểm tốt hay chưa tốt thì việc của các em là vẫn cần ôn luyện toàn diện, không nên tập trung luyện các câu hỏi quá khó.
Thứ hai, các em vẫn ôn tập bình thường; trước tiên là nắm chắc các kiến thức trong SGK để xử lý tốt các câu hỏi nhận biết – thông hiểu. Vì nếu câu vận dụng – vận dụng cao đúng mà câu nhận biết – thông hiểu để sai cũng không có ý nghĩa vì điểm mỗi câu là như nhau.
Thứ ba, cần ôn tập kĩ hơn với phần kiến thức mình còn để sai bằng cách ôn lại lý thuyết và luyện tập thêm kiến thức đó.
Thứ tư, trong quá trình luyện đề, rút kinh nghiệm từ các lỗi sai, ngoài việc nắm chắc ngữ pháp thì cần tăng cường thêm từ vựng vì theo đề minh họa số lượng câu hỏi từ vựng đã tăng. Bên cạnh đó, các em nên tập cho mình tính cẩn thận khi làm bài, đã có rất nhiều học sinh để sai các câu dễ mà lí do không phải vì các em không biết kiến thức đó mà do các em đọc đề nhanh, đọc nhầm, không gạch chân từ khóa, …dẫn đến tư duy sai. Các em cần luyện tập để hạn chế tình trạng này, tránh lỗi sai đáng tiếc.
Thứ năm, ngoài kiến thức thì kĩ năng làm bài cũng rất quan trọng. Các em hoàn thiện hơn các kĩ năng; kĩ năng ở đây là nắm được các phương pháp làm từng dạng bài, kĩ năng đoán nghĩa của từ, kĩ năng tìm thông tin trong bài đọc…Điều này sẽ giúp các em tìm ra đáp án nhanh và chính xác hơn.
Và cuối cùng, quan trọng hơn hết là các em cần chuẩn bị cho mình một tâm lí vững vàng, một tinh thần nỗ lực hết mình để bước vào kì thi quan trọng này!