- Mạng xã hội lan truyền rất nhiều clip của các TikToker tư vấn cho học sinh trong đó liệt kê ra một số ngành học và gọi là ngành học không có tương lai, học xong thất nghiệp, ngành học vô dụng...
“Thầy nói các em học sinh lớp 12 nghe, các em đừng học những ngành như Xã hội học, Văn hóa học, Nhân học, Hán Nôm, Bảo tàng học… những ngành hoàn toàn không có tương lai. Có những ngành nghề lạc hậu rồi, không phải hay hay dở mà là thị trường có cần hay không. Đó là vấn đề của cung cầu chứ không phải thích, nếu ở ngoài không có nhu cầu thì dẹp…”- trích lời của một TikToker và đang công tác ở một trường đại học nói.
Trong một số clip TikToker này cũng nói thêm: “Các em hãy bỏ ngay những ngành như Thiết kế thời trang, Xã hội học... Những ngành này học xong không có việc làm và 100% thất nghiệp chứ không phải 99% thất nghiệp. Hoặc học xong sẽ chẳng có nơi nào nhận, còn nếu có thì lương cũng không nỡ đếm nổi..”.
Trước đó, các ngành học như Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự... cũng được các TikToker liệt kê là những bằng đại học vô dụng nhất. Các cá nhân đăng tải những clip này khuyên các bạn trẻ không nên đăng ký học những ngành này.
Việc xuất hiện nhiều clip hướng nghiệp với chủ đề "Những bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam" hay bóc phốt các ngành học gây nhiều tranh cãi và gây hoang mang. Những Tiktoker này cũng không ngại ngùng trả lời các câu hỏi của thí sinh liên quan đến các trường đại học mà gần như không hiểu gì về những ngành học này.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công Thương TP.HCM, cho rằng Tiktok là kênh dành cho trải nghiệm cá nhân chứ không phải quảng bá thương hiệu nhà trường. Vì vậy, các clip được lên xu hướng phần lớn của cá nhân và những người làm clip thường tuyên truyền việc tuyển sinh "bậy bạ".
“Những người này thường hay diễn giải về ngành nghề nhưng không biết về ngành nghề học như thế nào? Học ra trường để làm gì? Học có khó khăn hay không? Do vậy, việc các TikToker nổi tiếng và được nhiều bạn trẻ follow sẽ gây ảnh hưởng đến lựa chọn ngành nghề của thí sinh”- ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, các TikToker có thể nói đúng trong một vài trường hợp chứ không phải đúng cho tất cả, nhưng suy nghĩ của người trẻ hiện nay là "chắc TikToker đã nói là đúng", nên gây ra sự hiểu lầm khi lựa chọn ngành nghề.
Ông Sơn lo ngại những clip như vậy sẽ làm cho các bạn trẻ lung lay, thậm chí dẫn tới việc không học, không đi làm việc. “Nói các ngành học trên "vô dụng, không có tương lai ” là sai. Học ngành gì cũng phải bỏ công sức để có kiến thức và kinh nghiệm sẽ tốt hơn nhiều so với việc không học. Không học không có kiến thức và kinh nghiệm, những người thành công thường học tập đàng hoàng hoặc phải bỏ công sức rất nhiều cộng với chút may mắn”- ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn có nhiều việc làm này của các TikToker hiện nay khiến các trường học cũng như người tiếp nhận thật sự e ngại, nhất là những người TikToker có ý nghĩ xấu xa về các ngành nghề.
“Có ngành thu hút thí sinh, có ngành ít thí sinh quan tâm và điều này là do nền kinh tế khó khăn và sự phát triển của công nghệ đã thay đổi nhiều. Các TikToker dựa vào các ngành nghề yếu ở vài trường đại học nào đó mà "rêu rao" học ngành đó sẽ thất nghiệp chứ không phải là tất cả mọi người đều thất nghiệp” - ông Sơn nói.
Ông Sơn lo lắng thí sinh thấy những clip này liên tục, ngày nào cũng xuất hiện do thuật toán của TikToker mà không hiểu tại sao họ lại nói như vậy. Lúc đó, thí sinh sẽ suy nghĩ rằng TikToker là người hiểu biết đến nhiều trường nên tư vấn của họ là đúng đắn. Thí sinh không chọn lựa ngành nghề này nữa và hậu quả là không có người học và làm việc trong ngành đó mặc dù các doanh nghiệp rất cần lao động.
Ông Trần Nam, Trưởng phòng công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng, các ngành học gồm khối lượng tri thức, phương pháp khoa học và đều có ý nghĩa đối với sự phát triển dù rằng mức độ sẽ phụ thuộc vào bối cảnh của xã hội trong những thời kỳ khác nhau.
Nhiều bạn trẻ yêu thích và chọn một ngành học nào đó vì tìm thấy sự phù hợp và yêu thích, học để phát triển tương lai, để đóng góp cho sự phát triển xã hội là rất đáng quý và cần được khuyến khích. Cho nên việc không hiểu biết sâu, không có dữ liệu, không có trải nghiệm đủ để hiểu thì hoàn toàn không nên đưa ra những phán xét gây tổn thương cho các ngành học, cho những người yêu mến ngành học đó. Vì vậy cần cung cấp thông tin và những nhận định có trách nhiệm với phát ngôn của mình.
Cũng theo ông Nam, hiện nay nhiều trường đại học thực hiện nhiều chương trình để hỗ trợ sinh viên các ngành khoa học cơ bản như: cấp học bổng, tài trợ học phí, hỗ trợ ký túc xá, thực hiện các giải pháp kết nối nhà tuyển dụng và doanh nghiệp…nhằm hỗ trợ tốt nhất cho học sinh theo học các ngành khoa học cơ bản, ngành đặc thù, ngành mới.
Những giải pháp này giúp cho các sinh viên yêu thích, phù hợp với các ngành an tâm học tập, có việc làm tốt sau khi tốt nghiệp. Những clip review vô căn cứ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tuyển sinh, đến nỗ lực thực hiện ước mơ của các bạn trẻ.