- Cộng đồng y học Việt Nam thời gian qua đã ghi nhận nhiều phát hiện mới đầy hứa hẹn khi áp dụng công nghệ hiện đại vào các phương pháp điều trị và chẩn đoán.
Ứng dụng công nghệ vào y học không còn mới mẻ tại Việt Nam, mà còn được cập nhật và áp dụng nhanh chóng giúp ngành y có những đột phá, mở ra nhiều tiềm năng, hứa hẹn mang lại lợi ích lớn cho người dân.
Ảnh minh họa |
Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán bệnh
Mới đây, các nhóm nghiên cứu tại các trung tâm y tế hàng đầu tại Việt Nam đã thành công trong việc phát triển và áp dụng các hệ thống AI có khả năng phân tích hình ảnh chụp từ MRI, CT, và siêu âm. Công nghệ AI này giúp phát hiện và phân loại các bệnh lý từ ung thư đến các vấn đề về tim mạch và não bộ, tăng cường khả năng chẩn đoán và giảm thiểu thời gian, chi phí cho quá trình chẩn đoán y tế.
Với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo trong thời đại công nghệ 4.0, ngành y tế đã và đang đẩy mạnh ứng dụng của khoa học công nghệ vào các hoạt động khám chữa bệnh. Đặc biệt, nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI đã trở thành xu hướng quan trọng. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp giảm tải công việc cho bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trung ương mà còn hỗ trợ các bác sĩ ở tuyến tỉnh, cũng như ở các vùng sâu vùng xa, tăng cường chẩn đoán bệnh chính xác và hiệu quả.
Những công nghệ này được thử nghiệm và áp dụng tại nhiều bệnh viện trên toàn quốc như Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) và rất nhiều bệnh viện lớn nhỏ từ trung ương đến địa phương.
Áp dụng công nghệ Blockchain trong các công tác quản lý
Một vài năm trước đây, năm 2018, các bệnh viện và phòng khám ở Việt Nam đang nghiên cứu và triển khai các hệ thống quản lý hồ sơ y tế dựa trên Blockchain. Công nghệ này được đánh giá là an toàn và minh bạch, giúp việc lưu trữ và truy cập thông tin y tế trở nên dễ dàng và bảo mật hơn, đồng thời tăng tính minh bạch trong quản lý thông tin cá nhân của bệnh nhân.
Không những thế, công nghệ Blockchain còn được áp dụng trong việc truy xuất nguồn gốc dược phẩm thuốc hoặc các thiết bị y tế tại các hệ thống nhà thuốc, đảm bảo thuốc được nhập từ các nguồn cung cấp uy tín, chất lượng cao. Đồng thời tạo bản ghi dữ liệu để quản lý quá trình phân phối và tiêu thụ thuốc tại các đơn vị y tế, bệnh viện một cách minh bạch và chính xác.
Bên cạnh đó, công nghệ Blockchain còn giúp liên thông dữ liệu giữa các đơn vị y tế khác trong cùng một hệ thống y tế. Hỗ trợ bác sĩ có thể truy cập xem hồ sơ bệnh án trực tiếp và đối chiếu với dữ liệu gốc được được lưu trữ trong điện thoại của người dân. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân có thể thay đổi giữa các cơ sở khác trong hệ thống mà không cần mang theo thủ tục giấy tờ về bệnh án của mình. Đồng thời phục vụ nghiên cứu y tế, xét nghiệm lâm sàng cần thiết.
Đặc biệt, blockchain được áp dụng để bảo mật thông tin thông qua việc mỗi người tham gia kết nối với mạng Blockchain sẽ được cấp một khóa bí mật và một chìa khóa công khai, hoạt động như một định danh để theo dõi thông tin cá nhân hoặc hồ sơ bệnh án của mình. Cặp chìa khoá này được mã hóa và liên kết sao cho quá trình nhận dạng chỉ có thể thực hiện theo một hướng, bằng cách sử dụng chìa khóa riêng. Vì vậy, để truy cập vào hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, các đơn vị y tế hoặc bệnh viện cần chia sẻ khoá riêng của họ để mở khóa danh tính của bệnh nhân và truy cập vào các dữ liệu được lưu trữ trong Blockchain liên quan đến hồ sơ của họ.
Phát triển y học từ xa (Telemedicine - Telehealth)
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc sử dụng các ứng dụng và nền tảng truyền hình qua internet để tư vấn và chẩn đoán từ xa đã trở nên phổ biến. Công nghệ này không chỉ giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế mà còn tạo ra sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người dân.
Trước đó, từ 2012, Sở Y tế đã xây dựng đề án Telemedicine, chủ động đầu tư xây dựng hội nghị từ xa từ 18 điểm cầu tại các đơn vị y tế trực thuộc. Tháng 07/2016, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã chính thức khai trương hệ thống Telemedicine với mục đích nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh giữa bối cảnh điều kiện thiết bị cũng như nguồn lực chuyên môn y tế tại Quảng Ninh đa phần còn hạn chế, đặc biệt tại các vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Giai đoạn từ 2011 - 2015, Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế cũng hoàn tất việc đưa một vài ứng dụng Telemedicine vào thí điểm tại một số bệnh viện như: Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện 175, Bệnh viện 211, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn - với điểm trung tâm đặt tại Hà Nội, Bệnh viện 103, Bệnh viện 121 và Bệnh viện 87; Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai.
Giữa thời điểm dịch bệnh còn đang hoành hành năm 2021, các doanh nghiệp công nghệ gồm Viettel, VNPT đã hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố, đảm bảo 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó. Đặc biệt, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không nhất thiết phải chuyển lên tuyến trên.
Các sự kiện trên đều là những bước tiến quan trọng trong việc kết hợp giữa y học và công nghệ tại Việt Nam, hứa hẹn mang lại những cơ hội mới và tiềm năng lớn cho ngành y tế trong thời gian tới.