- Vừa qua, tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã diễn ra Cuộc thi “Sáng tạo STEM phục vụ thành phố thông minh” (SI4SC-STEM Innovation for smart city) quy tụ 29 đội thi là học sinh đến từ 15 trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi.
Đây là Chương trình do Trường ĐH Bách khoa - ĐHĐN chủ trì, phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành khu vực miền Trung tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Học viện nghề nghiệp STEM khu vực miền Trung Việt Nam - Tiếp cận nhằm tăng cường nhận thức xã hội và xây dựng năng lực giáo dục và nguồn nhân lực cho STEM (khoa học kỹ thuật và công nghệ kết hợp với toán học).
Dự án này được sự đồng hành của Tổ chức SEAMEO (Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo các trường ĐH Asean) STEM-ED và Chevron từ năm 2022 nhằm tăng cường nhận thức, thử nghiệm triển khai các chương trình đào tạo nghề ứng dụng STEM tại miền Trung Việt Nam. Dự án góp phần tăng cường năng lực của các cơ sở giáo dục, gắn kết giữa giáo dục ĐH với THPT, qua đó truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo cho học sinh liên quan đến các lĩnh vực STEM. Điều này rất có ý nghĩa để học sinh nuôi dưỡng nền móng vững chắc giáo dục STEM tạo đà cho việc theo đuổi ước mơ nghề nghiệp ứng dụng STEM nhất là hướng đến giảng đường ĐH và tương lai.
Theo đại diện Ban Tổ chức, các đề tài năm nay vừa đa dạng về ý tưởng, sản phẩm thuộc nhiều nhóm chuyên ngành, lĩnh vực công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, công nghệ thông tin, kỹ thuật xây dựng, công nghệ hoá học và môi trường… Có thể kể đến các sản phẩm đã để lại dấu ấn tích cực của học sinh đem đến Cuộc thi như: Mô hình xe lăn thông minh, Robot pha chế hoá chất trong phòng thí nghiệm, Áo phao thông minh cứu hộ, Kính mắt thông minh bảo vệ thị lực,…
Kết quả chung cuộc, Giải Nhất thuộc về nhóm học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Nam) với đề tài “Máy hỗ trợ phơi nông sản và hút vào bao”. 02 Giải Nhì thuộc về các nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) với đề tài “Vi2vsl - Hệ thống chuyển đổi Tiếng Việt sang ngôn ngữ ký hiệu thông qua hoạt hình 3d dành cho người khiếm thính” và đề tài “Hệ thống chuyển đổi suy nghĩ thành giọng nói dành cho bệnh nhân hậu tai biến mắc chứng thất ngôn Broca”.
03 Giải Ba lần lượt thuộc về các nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) với đề tài “Ứng dụng AI để hỗ trợ chăm sóc da lứa tuổi học đường”; nhóm học sinh Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) với đề tài “Bộ dụng cụ thu thập dữ liệu phục vụ trong giảng dạy STEM” và nhóm học sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) với đề tài “Đồng hồ đo lưu lượng nước thông minh sử dụng năng lượng tái tạo”. Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) được trao Giải Trường THPT có nhiều thí sinh tham gia nhất.