- Chương trình “TCP - Hành trình vì một Việt Nam xanh” đặt mục tiêu trồng 2.700 cây lim tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…
Ngày 10/4/2024, Thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã diễn ra chương trình “TCP – Hành trình vì một Việt Nam xanh” tại tỉnh Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc.
Chương trình trồng cây “TCP - Hành trình vì một Việt Nam xanh” do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tập đoàn TCP, Tỉnh đoàn và Ban Quản lý Rừng Phòng Hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức nhằm mục đích nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái rừng, phát huy vai trò của rừng và cây xanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Thông qua các hoạt động thiết thực và ý nghĩa, chương trình góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của thanh niên và nhân viên công ty về vai trò của cây xanh cùng tính cấp thiết của công tác phát triển rừng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Chương trình “TCP - Hành trình vì một Việt Nam xanh” đặt mục tiêu trồng 2.700 cây lim tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chương trình gồm 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 diễn ra vào ngày 10/04/2024 với số lượng cây trồng là 300 cây; Giai đoạn 2 diễn ra từ ngày 01/06 đến ngày 30/06/2024 với số lượng cây trồng là 2.400 cây.
Nhằm đảm bảo tính hiệu quả và số lượng cây trồng theo mục tiêu ban đầu, bên cạnh sự đồng hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong vai trò cố vấn, hoạt đồng trồng cây cũng sẽ được giám sát chặt chẽ bởi Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Sự tham gia giám sát của bên thứ ba nhằm kiểm tra sức khỏe cây định kỳ, theo dõi các thông số sinh trưởng của cây, thu thập tư liệu hình ảnh thực địa và báo cáo cho Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng công ty TCP Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Bên cạnh đó, điểm nhấn của chương trình năm nay còn có buổi hội thảo chuyên đề “TCP Việt Nam - Hành trình vì một Việt Nam xanh” với sự tham gia của hai chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và quản lý điều hành, tổ chức chỉ đạo thực hiện các hoạt động liên quan đến EPR và Net zero tại Việt Nam, và Đại diện Tập đoàn TCP. Hội thảo đã cung cấp những nội dung chi tiết về các quy định liên quan đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được quy định tại Luật và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, hội thảo cũng đưa đến góc nhìn cụ thể về thực trạng biến đổi khí hậu tại Việt Nam song song với định hướng, chính sách phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Thông qua buổi hội thảo, đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ về những hoạt động, quy trình sản xuất của Tập đoàn TCP trong bảo vệ môi trường, tái chế, trung hòa các bon. Đồng thời, đại diện đến từ các bên tổ chức cũng đã trực tiếp giải đáp các thắc mắc của các đại biểu về những quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, những quy định, nội dung, quan điểm về thực hiện Net zero tại Việt Nam.
Đánh giá về ý nghĩa của chương trình, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: “Sau 3 năm thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước ta đã trồng được gần 770 triệu cây xanh nhờ vào sự chung tay góp sức từ phía các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân. Góp phần vào thành tựu chung đó, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường đã luôn tích cực phối hợp với các tổ chức, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp triển khai công tác trồng cây, trồng rừng trên cả nước. Chương trình trồng cây “TCP - Hành trình Vì một Việt Nam xanh” tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu là một trong những nỗ lực mới nhất của chúng tôi trong năm 2024.
2.700 cây xanh từ chương trình này không chỉ mang giá trị ý nghĩa đóng góp vào Đề án trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam, mà còn khẳng định sự đóng góp, đồng hành, thể hiện trách nhiệm xã hội của Tập đoàn TCP và Công ty TCP Việt Nam đối với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới sự bền vững cho người dân Việt Nam.”
Ông Nguyễn Duy Bắc Giám đốc Ban Quản Lý Rừng Phòng hộ cho biết, diện tích rừng và đất rừng phòng hộ do Ban quản lý Rừng phòng hộ quản lý hiện nay là 11.060 ha được phân bố trên địa bàn hành chính của 07 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh. Cho đến nay, tỷ lệ che phủ của rừng phòng hộ do Ban quản lý Rừng phòng hộ quản lý đạt 57,6% diện tích đất rừng phòng hộ được giao. Đối với khu rừng phòng hộ tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc với tổng diện tích quản lý 912,30 ha có tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,74%. Rừng Phòng hộ Phước Thuận có hiện trạng rừng hầu hết là rừng tự nhiên, có trạng thái rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh nghèo kiệt.
Với tinh thần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá trong đời sống phát triển kinh tế - xã hội, Ban quản lý Rừng phòng hộ đang hướng tới mục tiêu quan trọng là nâng cao chức năng phòng hộ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm hiệu ứng nhà kính và phát triển kinh tế rừng, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.