Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Hòa Bình

0
0

 - Chiều 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua và trao đổi, thảo luận phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới...

Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đã nêu rõ những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội mà Hòa Bình đạt được thời gian qua. Năm 2023, tỉnh đạt và vượt kế hoạch 15/19 chỉ tiêu; đẩy mạnh chuỗi liên kết, chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tăng cường cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; xuất khẩu đạt gần 1,7 tỷ USD; khách du lịch đạt 3,2 triệu lượt khách.

An sinh và phúc lợi xã hội được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm 3,09% (từ 12,29% xuống 9,2%); số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 62% tổng số xã.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo (tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 60%), y tế (tỉ lệ tham gia BHYT đạt 92%), khoa học công nghệ, việc làm đạt kết quả tốt (tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,6%; năng suất lao động đạt 120,59 triệu đồng/lao động).

Công tác quy hoạch được chú trọng, hoàn thành Quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh các dự án hạ tầng. Cải cách hành chính được tích cực triển khai (hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đạt 97%). An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo.

Quý I/2024, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục xu hướng tích cực. Các động lực đều đạt mức tăng trưởng cao, nông nghiệp tăng 4,56%, công nghiệp tăng 6,88%, dịch vụ tăng 5,06%, xuất khẩu tăng 32,05%, khách du lịch đạt 1,6 triệu lượt khách.

Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, giải ngân quý I đạt 14%, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng. Văn hóa, xã hội được chú trọng phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GRDP không đạt kế hoạch; sản xuất kinh doanh gặp khó khăn; năng lực cạnh tranh chưa cao. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao, trong đó có các Chương trình mục tiêu quốc gia, một số dự án đầu tư chậm tiến độ. Quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều bất cập; hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn gây thiệt hại. Chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số còn nhiều hạn chế.

 

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, thứ nhất, tỉnh phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, đặc biệt là phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, kết hợp với ngoại lực của cả vùng, của trong nước và quốc tế.

Thứ hai, phát triển các ngành động lực để thúc đẩy tăng trưởng, tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa bản sắc…; kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp sạch, hữu cơ, chất lượng cao.

Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết kinh tế, khai thác tốt vai trò kết nối vùng giữa Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung Bộ.

Thứ tư, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược (giao thông, điện, viễn thông, đô thị, y tế, giáo dục, xã hội...), đẩy mạnh hợp tác công-tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông các nguồn lực; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ năm, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, vừa hình thành các doanh nghiệp lớn, vừa nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng, ứng dụng khoa học, công nghệ cao.

Thứ sáu, đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực cho các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh. Dành nguồn lực cho phát triển con người, nâng cao chất lượng sống, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch phát triển trong tỉnh. Hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.

Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số.

Thứ tám, chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển rừng và đa dạng sinh học; phát triển bền vững hài hòa theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thứ chín, chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Làm tốt công tác sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng cho rằng Hòa Bình phải hết sức chú trọng phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng hạ tầng chiến lược.

Với các sản phẩm OCOP, nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, cần chú trọng xây dựng thương hiệu; quy hoạch vùng nguyên liệu; kết nối với doanh nghiệp để cung ứng nguyên liệu đầu vào, kết nối thị trường; kết nối với các nhà khoa học để làm chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì, bảo quản sau thu hoạch; kết nối với ngân hàng để bảo đảm nguồn vốn.

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi các đề xuất, kiến nghị của Hòa Bình liên quan tới triển khai dự án đường liên kết vùng Hòa Bình-Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình-Mộc Châu); tuyến đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá đến Quốc lộ 6 và một số nội dung khác.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long khẳng định tỉnh đang có quyết tâm rất cao để triển khai 2 dự án đường bộ này. Ông cũng cho biết tỉnh đã ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023-2030, bổ sung danh mục xây dựng không gian Văn hóa Hòa Bình bằng nguồn ngân sách tỉnh (khoảng 500 tỷ đồng).

Tỉnh cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan để lập hồ sơ 02 di chỉ Hang Xóm Trại, Mái đá Làng Vành (huyện Lạc Sơn) là di tích quốc gia đặc biệt và nghiên cứu, đề xuất việc lập hồ sơ công nhận nền Văn hóa Hòa Bình là di sản thế giới.

Cơ bản đồng tình với các đề xuất, Thủ tướng yêu cầu Hòa Bình và các bộ, ngành phối hợp tích cực, chặt chẽ, khẩn trương để triển khai các công việc.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Những giọt nước mắt rơi khi xem Lễ truy điệu Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất

Trưa 26/7, tại Hội trường Thống Nhất, nhiều người dân sau khi đến viếng tại Hội trường Thống Nhất đã ở lại và xem trực tiếp Lễ truy điệu qua màn hình ti vi. Nhiều người dân đã không cầm được nước mắt trước những thông tin về Tổng Bí thư được cầu truyền hình trực tiếp từ Hà Nội.

Hình ảnh ngày thứ 2 Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 Sáng 26/7, Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7 giờ đến 13 giờ tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà Đông Anh.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà Đông Anh, Hà Nội

(VnMedia) - Ngày 25/7, tại Nhà Văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể huyện Đông Anh tổ chức trọng thể Lễ viếng theo nghi thức Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.