- Đó là phát biểu của PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế tại lễ khai mạc Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40 của Đại học Y Dược TPHCM.
Chiều 30/3, Đại học Y Dược TPHCM đã tổ chức Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40. Hội nghị diễn ra từ ngày 30-31/3 với sự tham dự và báo cáo của nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế biểu dương và đánh giá cao những thành công của Đại học Y Dược TPHCM trong công tác phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực trong thời gian qua.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40 của Đại học Y Dược TPHCM. |
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, những thành công này không chỉ thể hiện được vai trò tiên phong trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế nước nhà. Đây cũng là minh chứng cho năng lực, trình độ của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên của trường.
"Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40 của Đại học Y Dược TPHCM không chỉ là sự kiện khoa học quan trọng đối với nhà trường nói riêng mà còn là dấu ấn đặc biệt nhấn mạnh lịch sử nghiên cứu và phát triển không ngừng của khoa học công nghệ ngành Y tế Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhận định.
Theo Thứ trưởng, việc tổ chức phiên quốc tế với chủ đề "Hội thảo về hợp tác giữa hàn lâm và công nghiệp" được coi là bước tiến mới, mở ra cơ hội cho các nhà khoa học và doanh nghiệp gặp gỡ, thảo luận và tìm kiếm cơ hội hợp tác, từ đó đưa những thành tựu nghiên cứu vào thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành Y tế và sức khỏe cộng đồng.
Sự kết hợp giữa hàn lâm và công nghiệp cũng chính là chìa khóa quan trọng để đẩy mạnh ứng dụng các phát minh, sáng chế trong lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ: "Tôi tin tưởng rằng Đại học Y Dược TPHCM sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học y dược, không chỉ trong khu vực mà còn trên trường quốc tế. Đồng thời, tôi cũng kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, cơ sở y tế và doanh nghiệp, hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành y tế Việt Nam".
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị, Đại học Y Dược TPHCM cần tiếp tục làm việc với các Vụ, Cục của Bộ Y tế, phối hợp với các đơn vị y tế khác để đề xuất và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ bảo đảm hiệu quả, có tính ứng dụng cao, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành y tế Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Tại buổi lễ khai mạc, PGS.TS Ngô Quốc Đạt – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40 của Đại học Y Dược TPHCM quy tụ hơn 3000 đại biểu đến từ các trường Đại học, Cao đẳng Y Dược và các cơ sở y tế từ khắp các tỉnh phía Nam. Cùng với đó là sự tham gia báo cáo của 10 chuyên gia quốc tế đầu ngành đến từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu xuất sắc như: Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ), Trung tâm ung thư Vancouver (Canada) ...
Đồng thời, hội nghị đã chọn lọc 125 bài báo cáo tại 17 phiên chuyên đề là các nghiên cứu nổi bật của nhà trường và các đơn vị y tế liên quan, được trình bày bởi các chuyên gia y tế trong và ngoài nước.
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược TPHCM khẳng định, trường sẽ không ngừng phát triển, khẳng định vị thế và vai trò tiên phong trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, góp phần vào sự phát triển của ngành y tế cũng như nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Đại học Y Dược TPHCM là diễn đàn trao đổi, cập nhật và cung cấp thông tin khoa học mới nhất từ kết quả nghiên cứu của Đại học Y Dược TPHCM được tổ chức định kỳ hằng năm.
Hội nghị lần thứ 40 với điểm nhấn về báo cáo các nghiên cứu liên ngành, đa mô thức (phương pháp điều trị có sử dụng nhiều hơn một loại thuốc hoặc phương thức - PV) trong chẩn đoán, điều trị, phục hồi và dự phòng các bệnh lây nhiễm và bệnh mãn tính không lây nhiễm.