- Anh K. 42 tuổi (TP Hồ Chí Minh) đến bệnh viện khám với các dấu hiệu chóng mặt, ù tai kéo dài. Kết quả khám phát hiện anh có 3 u ở não và 1 u cột sống. Đáng lưu ý, nguy cơ cao anh có thể xuất hiện thêm các u mới.
Ngày 19/4, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhân K. mắc u màng nội tuỷ, có tính chất đa ổ và lan tỏa theo dịch não tủy. Bệnh u màng nội tuỷ có nguy cơ di truyền.
Kết quả chụp MRI 3 Tesla phát hiện anh có 3 u não và 1 u cột sống lớn. Ảnh: BV |
Cụ thể, kết quả chụp MRI 3 Tesla phát hiện bệnh nhân có 3 u não và 1 u cột sống lớn. Trong đó, u tại não thất bốn có kích thước 3x3 cm; u tại vùng chẩm bán cầu não phải có kích thước 3x2 cm; u tại nền sọ giữa có kích thước 2x2 cm và u tại hai đốt sống thắt lưng L3 - L4 (vị trí chùm đuôi ngựa) có kích thước 4x1,5 cm.
“Nếu chậm trễ điều trị, các khối u phát triển ngày càng lớn, nguy cơ cao xuất hiện thêm u mới, chèn ép, làm tổn thương mô não lành, tủy sống và cấu trúc thần kinh xung quanh. Hậu quả sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh”, bác sĩ Chu Tấn Sĩ nhận định.
Sau hội chẩn, các bác sĩ tư vấn, chỉ định bệnh nhân điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, lần lượt loại bỏ các khối u. Sau đó, xạ trị toàn não và tủy sống để dự phòng nguy cơ tái phát.
Theo bác sĩ, để loại bỏ các khối u, trong vòng 1 năm, bệnh nhân liên tiếp trải qua 3 lần mổ bằng robot trí tuệ nhân tạo. Ca mổ đầu tiên vào tháng 3/2023 và lần mổ cuối cùng vào cuối tháng 3/2024.
Cụ thể, ca mổ đầu tiên được tiến hành vào tháng 3/2023 kéo dài trong 4 giờ đồng hồ. Các bác sĩ sử dụng robot Modus V Synaptive ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện đại và duy nhất tại Việt Nam, kết hợp hệ thống định vị thần kinh Neuro-Navigation để tiếp cận khối u an toàn. Các hệ thống hiện đại này giúp bác sĩ thấy rõ khối u trong mối tương quan với các dây thần kinh và mô não lành trên cùng một hình ảnh 3D trước và trong suốt cuộc mổ. Từ đó, bác sĩ chọn đường tiếp cận vào khối u an toàn, hạn chế tác động vào các cấu trúc não lân cận.
Bác sĩ đang mổ u não cho bệnh nhân K bằng robot Modus V Synaptive ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ảnh: BV |
Khi tiếp cận khối u, bác sĩ sử dụng hệ thống cắt hút siêu âm Cusa để đánh nhỏ, hút và loại bỏ hoàn toàn 2 khối u tại não thất bốn và vùng chẩm bên bán cầu não phải. Người bệnh được bảo tồn chức năng thần kinh, hồi phục tốt.
Tháng 9/2023, cuộc mổ thứ 2 được tiến hành và trong khoảng 2 tiếng đồng hồ với sự hỗ trợ của robot trí tuệ nhân tạo, bác sĩ đã loại bỏ hoàn toàn khối khu não còn lại. Sau mổ, bệnh nhân được bảo tồn tối đa cấu trúc thần kinh và các mô não khỏe mạnh, hồi phục sức khỏe nhanh và sẵn sàng cho cuộc mổ thứ ba.
Cuối tháng 3/2024, bệnh nhân nhập viện để mổ khối u cột sống còn lại. Bác sĩ Chu Tấn Sĩ cho biết, khó khăn trong cuộc mổ lần này là khối u nằm len lỏi vào giữa các dây thần kinh tận cùng ống sống. Với dây thần kinh nằm trong và xuyên qua u, rất dễ tổn thương trong quá trình loại bỏ u.
Quá trình phẫu tích, các bác sĩ sử dụng robot Modus V Synaptive và hệ thống định vị thần kinh Neuro-Navigation để từng bước tiếp cận và bóc tách u, bảo tồn các dây thần kinh nằm cạnh và bao quanh u. Bên cạnh đó, các bác sĩ cẩn thận sử dụng hệ thống cắt hút siêu âm Cusa, nhẹ nhàng đánh nhỏ và hút sạch phần u còn lại, đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh.
Theo bác sĩ, hiện nay, bệnh nhân đã hồi phục sức khoẻ, có thể đi đứng, ăn uống, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, trước khi bệnh nhân được xạ trị toàn não và tuỷ sống để loại bỏ nguy cơ tế bào u trôi nổi hoặc còn sót lại trong dịch não tuỷ, ngăn ngừa nguy cơ hình thành khối u mới, bệnh nhân sẽ phải được tiếp tục thăm khám và đánh giá sức khoẻ toàn diện.
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ cho biết, kết quả sinh thiết tế bào cả 4 khối u đều lành tính. Tuy nhiên, u màng nội tủy có nguy cơ di truyền. Do vậy, bệnh nhân cần tiến hành khảo sát sinh học phân tử nhằm đánh giá nguy cơ đột biến gen. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, con trai của bệnh nhân sẽ được tiến hành tầm soát và có chỉ định phù hợp.