Phú Quốc: Đẩy mạnh sản xuất trên nền tảng khoa học công nghệ

0
0

 - Thủ tướng chỉ đạo Phú Quốc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu.

 

Ngày 31/3, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Tại Hội nghị, phân tích về tiềm năng, cơ hội, lợi thế của vùng đất này, các đại biểu đánh giá Phú Quốc gồm 22 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc với diện tích gần 590 km2 (bằng gần 80% diện tích Singapore); nằm trên tuyến hàng hải quốc tế; cách thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay.

Phú Quốc có vị trí chiến lược về kinh tế, văn hóa, giao thương, du lịch, quốc phòng, an ninh. Phú Quốc có tiềm năng lớn phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, kinh tế biển với bờ biển dài 150 km, có nhiều bãi biển đẹp, biển xanh, cát trắng, nắng chan hòa, nơi có trời xanh, không khí trong lành, có sông suối mát trong. Khí hậu dễ chịu quanh năm. Nhiều đặc sản nổi tiếng như hồ tiêu, ngọc trai, cá trích, nấm tràm…

Phú Quốc cũng là ngư trường lớn nhất phía nam với diện tích tiềm năng nuôi biển gần 1.400 km2 có hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản đa dạng, lớn, trong đó nhiều loại có giá trị cao.

Thiên nhiên ưu đãi với cảnh vật tươi đẹp, tài nguyên phong phú với hơn 60% diện tích tự nhiên là núi, rừng nguyên sinh. Đặc biệt, Vườn quốc gia Phú Quốc với diện tích trên 36,2 nghìn ha với hệ sinh thái rừng, động thực vật phong phú; thuộc Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Phú Quốc có nhiều di tích lịch sử cách mạng, nổi bật là Trại giam Phú Quốc, nơi từng là "địa ngục trần gian", ghi dấu tích bi tráng của gần 40 nghìn chiến sĩ cộng sản yêu nước. Con người Phú Quốc giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách, năng động, sáng tạo, khát khao làm giàu cho quê hương, đất nước.

Các đại biểu cho rằng trong thời gian tới, cần tiếp tục "mở và nâng tầm phát triển" cho Phú Quốc, xác định rõ và đúng tầm vị thế vùng - quốc gia (động lực tăng trưởng, chức năng dẫn dắt và lan tỏa phát triển) và quốc tế (tiên phong hội nhập và cạnh tranh toàn cầu – khu vực) đặc biệt của Phú Quốc; nghiên cứu để Phú Quốc có quy chế đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã được quy định trong Hiến pháp; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc gắn với mô hình thí điểm chính quyền đô thị…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, sớm dự thảo Thông báo kết luận Hội nghị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để thống nhất thực hiện; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan xây dựng Đề án mới về phát triển Phú Quốc để đề xuất cấp có thẩm quyền, đưa Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững hơn trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy nội lực, con người Phú Quốc và Kiên Giang.

 

Thủ tướng đúc rút '6 điểm hơn' sau 20 năm phát triển Phú Quốc: Tiềm lực được tăng cường hơn; hạ tầng chiến lược đồng bộ hơn; sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế nhiều hơn; uy tín, vai trò, vị thế của Phú Quốc tăng lên; đóng góp cho GDP, thu ngân sách, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cao hơn; thời cơ, thuận lợi nhiều hơn dù khó khăn, thách thức cũng không ít hơn, nhất là cho phát triển xanh, bền vững và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực và thành tựu đạt được của chính quyền, quân và dân Thành phố Phú Quốc nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung suốt nhiều năm qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, như Phú Quốc chưa phát triển đúng tầm và có thể phát triển tốt hơn. Phú Quốc cũng đang phát triển nóng, có nhiều yếu tố thiếu bền vững như bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường (vẫn chưa có nhà máy, trung tâm xử lý rác thải phù hợp quy mô dân số); hạ tầng chuyển đổi số còn nhiều khó khăn.

Cùng với đó, tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Môi trường và nguồn nhân lực còn nhiều thách thức. Yêu cầu, điều kiện, sự phát triển càng ngày càng cao hơn nhưng nguồn lực, cơ chế huy động nguồn lực chưa được như mong muốn, chưa ngang tầm sự phát triển. Bên cạnh đó là những bất cập liên quan quản lý đất đai, đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn...

 

"6 đẩy mạnh" để phát triển Phú Quốc

Nêu 3 vấn đề rất quan trọng để phát triển các đảo gồm nước, điện và sóng, Thủ tướng nhấn mạnh "6 đẩy mạnh" trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển Phú Quốc thời gian tới.

Cụ thể:

Thứ nhất, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng thị trường để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, công nghệ thông tin, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho Phú Quốc gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Thứ tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu.

Thứ năm, đẩy mạnh phát huy, khai thác truyền thống văn hóa lịch sử bản sắc, hào hùng của Phú Quốc, Kiên Giang, vùng ĐBSCL gắn với phát triển dịch vụ và du lịch.

Thứ sáu, đẩy mạnh hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương với Phú Quốc và Kiên Giang để Phú Quốc phát triển theo mục tiêu đã đề ra.

Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ cụ thể trong phát triển hạ tầng; phát triển công nghiệp văn hóa, quốc tế hóa bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc và dân tộc hóa các giá trị, tinh hoa văn hóa thế giới; xây dựng các trung tâm xử lý rác thải hiện đại; xây dựng các hồ dự trữ nước ngọt; phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội…

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Người phụ nữ Hà Nội bị lừa gần 800 triệu đồng vì đầu tư "sàn tài chính online"

(VnMedia) - Thời gian qua, Công an Thành phố Hà Nội đã liên tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi tham gia đầu tư các sàn giao dịch tài chính online. Với lời quảng cáo đầu tư sinh lời, lãi xuất cao đánh vào tâm lý nhiều nhà đầu tư muốn kiếm tiền nhanh chóng...

Phát hiện lỗ hổng RCE nghiêm trọng trong Công cụ cơ sở hạ tầng AI của Ollama

(VnMedia) - Các nhà nghiên cứu bảo mật đã tiết lộ chi tiết về một lỗ hổng bảo mật hiện đã được vá ảnh hưởng đến nền tảng cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) nguồn mở Ollama có thể bị khai thác để thực thi mã từ xa (RCE).

Giá vàng liên tục trồi sụt, vàng nhẫn vẫn giữ mức cao

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (26/6), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều giảm gần 12 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu vẫn duy trì ở mức gần 76 triệu đồng/lượng.

Định danh và xác thực điện tử: Những quy định ai cũng cần biết

(VnMedia) - Nghị định 69/2024/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử các mức độ đối với công dân Việt Nam và đối với người nước ngoài; Trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử đối với cơ quan, tổ chức; Kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử...

Một thẻ căn cước đăng ký được bao nhiêu sim VinaPhone chính chủ?

(VnMedia) - Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, tất cả các nhà mạng đều yêu cầu người dùng phải đăng ký sim chính chủ. Vậy một thẻ Căn cước có thể đăng ký bao nhiêu sim VinaPhone chính chủ?