- Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trung ương sẽ triển khai các chuyên đề chuyên sâu về nhiều lĩnh vực, trong đó có việc phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia...
Ảnh minh họa |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trung ương vừa ký Quyết định 51/QĐ-HĐPH phê duyệt Kế hoạch hoạt động của Hội đồng này năm 2024.
Theo đó, năm 2024 và theo yêu cầu nhiệm vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; thành viên Hội đồng trực tiếp phụ trách các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hoạt động của Hội đồng các cấp năm 2024 và triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên cả nước, về nội dung, tập trung triển khai các luật mới được thông qua trong năm 2023, 2024 liên quan trực tiếp, thiết thực đến người dân, doanh nghiệp, các vấn đề xã hội quan tâm, cần định hướng dư luận xã hội.
Triển khai các chuyên đề PBGDPL chuyên sâu về các lĩnh vực đất đai, nhà ở, bất động sản, kinh doanh bất động sản; trái phiếu doanh nghiệp, lao động; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tội phạm; an toàn giao thông đường bộ; an toàn vệ sinh thực phẩm; pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trên không gian mạng; chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp nhà nước; bảo vệ trẻ em; thực hiện dân chủ ở cơ sở; cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tạo sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân tham gia thực hiện; truyền thông, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của pháp luật quốc tế...
Thành viên Hội đồng quản lý nhà nước về lĩnh vực liên quan chủ trì chỉ đạo xây dựng và tổ chức làm điểm mô hình PBGDPL tại địa phương, cơ sở, tập trung cho một số đối tượng đặc thù như trẻ em, thanh thiếu niên lang thang cơ nhỡ, người lao động trong doanh nghiệp, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội theo Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" (phê duyệt kèm theo Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Theo tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì soạn thảo dự thảo Luật chủ trì tổ chức truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, trọng tâm là các dự thảo luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; chỉ đạo việc đăng tải công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, phản biện của người dân, cơ quan, tổ chức.
Thực hiện chỉ đạo điểm truyền thông dự thảo chính sách trong quá trình xây dựng và tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi); dự thảo Luật Đường bộ; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Quý II-IV năm 2024, Phó Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức các diễn đàn, đối thoại chính sách với doanh nghiệp để tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thi hành các chính sách, pháp luật, trong đó có những bất cập từ thể chế, chính sách và đề xuất cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết.