- Những buổi sáng thứ 7 ở Thư viện Bàn tay khéo léo dành cho trẻ em khiếm thị tại Hà Nội như rộn ràng hơn bởi các lớp học phát triển văn hóa đọc sách xúc giác - nơi trẻ em khiếm thị có cơ hội tiếp cận với sách, làm quen với chữ nổi từ nhỏ và hình thành biểu tượng một cách đúng đắn.
Cánh cửa giúp trẻ khiếm thị mở rộng hiểu biết về thế giới
“Sách xúc giác, sách để sẻ chia” là dự án được triển khai từ năm 2017 của nhóm nghiên cứu viên của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Đây là một hoạt động nghiên cứu thử nghiệm sách xúc giác cho trẻ em khiếm thị tại Hà Nội.
Thạc sỹ Trịnh Thị Thu Thanh - người sáng lập, giám đốc Dự án “Sách xúc giác, sách để sẻ chia” chia sẻ: “Nhận thấy trẻ khiếm thị không hề biết đến các cuốn sách xúc giác, điều đó thôi thúc tôi và cộng sự lao vào dự án rất nhiều khó khăn. Làm một cuốn sách xúc giác rất khó vì ngoài câu chuyện, còn thiết kế các hình ảnh may lên trang sách. Trẻ khiếm thị sẽ đọc sách bằng cách sờ. Kỹ năng sờ của trẻ càng phát triển thì khả năng hình dung để hiểu câu chuyện, hiểu những thông điệp từ cuộc sống qua trang sách càng lớn”.
Nếu có những cuốn sách xúc giác, trẻ khiếm thị sẽ được làm quen với chữ nổi từ rất sớm, giống như trẻ sáng mắt được nhìn thấy chữ ở mọi nơi. Đồng thời sách xúc giác cũng giúp trẻ hình thành biểu tượng về sự vật hiện tượng một cách khoa học từ dễ đến khó. Bên cạnh đó sách xúc giác còn hình thành niềm yêu thích đọc sách và tìm hiểu về thế giới xung quanh.
Nhóm nghiên cứu của Thạc sỹ Trịnh Thị Thu Thanh phải bắt đầu nghiên cứu trong nhiều năm để hiểu được các mức về khả năng sờ của trẻ khiếm thị, từ đó thiết kế các sách khác nhau cho trẻ có trình độ khác nhau. Làm sao để trẻ phát huy được nhiều nhất có thể các giác quan khác nhau để cảm nhận thay cho đôi mắt. Nhưng để làm được điều đó cũng cần hiểu được khả năng sờ của trẻ, mức độ tới đâu làm tới đó và phân loại thành các loại sách cho các đối tượng khác nhau.
Để làm những cuốn sách xúc giác đầu tiên là chọn chủ đề làm sách, tên sách và nội dung cuốn sách. Khâu quan trọng nhất trong làm sách xúc giác là chọn cách thể hiện đối tượng, hình ảnh xúc giác lên trên trang sách. Dựa vào mức độ nhận thức và kĩ năng sờ của trẻ, giáo viên và cha mẹ sẽ chọn cả đồ vật thật, một phần của đồ vật đó hoặc các hình ảnh xúc giác. Mỗi trang sách nên chỉ có 1 đồ vật hoặc 1 hình ảnh xúc giác. Nếu gắn nhiều hơn 1 đồ vật thì cần sắp xếp các đồ vật một cách ngay ngắn để trẻ dễ sờ.
Để làm được sách xúc giác có nhiều nguyên liệu và cách thức khác nhau, trong đó làm sách bằng bìa và vải là hai chất liệu thường được sử dụng bởi sự tiện dụng và hiệu quả. Dù làm sách bằng bìa cứng hay bằng vải đều phải đảm bảo độ chắc chắn; có tính tương phản giữa trang sách và đồ vật, hình ảnh xúc giác gắn lên trang sách; kích cỡ sách, kích cỡ đồ vật, hình ảnh phù hợp, vừa vặn với đôi bàn tay trẻ; và tất nhiên cần đảm bảo an toàn khi trẻ sờ, tránh vật sắc nhọn gây tổn thương cho đôi bàn tay...
Học sinh khiếm thị tại thư viện Bàn tay kheo léo |
Thư viện sách xúc giác
Sau 5 năm triển khai Dự án “Sách xúc giác, sách để sẻ chia”, tháng 9/2022, Dự án tiến hành mở và vận hành Thư viện Bàn tay khéo léo, thư viện sách xúc giác đầu tiên tại Việt Nam. Thư viện hoạt động phi lợi nhuận nhằm mang đến cơ hội được đọc sách từ sớm cho trẻ em khiếm thị. Thư viện tổ chức các hoạt động làm sách xúc giác; đọc sách xúc giác tại Thư viện và trường học có trẻ khiếm thị; cho mượn sách về nhà và tổ chức các hoạt động cộng đồng dành cho trẻ em khiếm thị. Thư viện Bàn tay khéo léo được thiết kế có tối đa sự tiếp cận cho trẻ khiếm thị như có mô tả sơ đồ bằng chữ nổi, có các đánh dấu xúc giác, tường dẫn, môi trường ít vật cản, không gian thoáng mát, nhiều cây xanh. Không gian thư viện thân thiện, thoải mái cho trẻ khi đến đọc sách.
Thư viện đã phát hành thẻ cho các thành viên, mỗi tháng mỗi thành viên được đọc sách tại Thư viện và mượn từ 2 - 4 cuốn sách về nhà đọc. Thư viện thường xuyên tổ chức các buổi đọc sách cho nhóm trẻ khiếm thị, trung bình từ 2 - 4 buổi mỗi tháng, tùy vào các lịch tổ chức các sự kiện cộng đồng của Thư viện. Mỗi buổi đọc sách xúc giác cho nhóm có 10 -15 trẻ khiếm thị tham gia.
Thư viện triển khai làm sách vào thứ Ba hằng tuần. Tình nguyện viên sáng mắt sẽ làm hình ảnh xúc giác, may vá đồ vật lên sách, may thành cuốn sách. Người khiếm thị thực hiện viết chữ nổi cho phần lời các câu chuyện. Tổng số sách xúc giác đã làm mới trong 6 tháng là 06 cuốn, nâng tổng số đầu sách của Thư viện lên 72 cuốn.
Thư viện cũng mang sách sang trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đọc sách tại hai lớp Can thiệp sớm và Lớp kĩ năng vào Thứ Năm hằng tuần từ tháng 10/2022. Số lượng buổi đọc sách ở trường Nguyễn Đình Chiểu trong năm học 2022 - 2023 là 60 buổi. Hoạt động đọc sách xúc giác tại trường được Dự án duy trì thường xuyên và liên tục trong 3 năm nay.
Nếu ai ghé qua Thư viện của các em nhỏ khiếm thị những ngày này, hẳn sẽ cảm nhận được bầu không khí sôi nổi và động lực mà những cuốn sách truyền đến những em nhỏ nơi đây từ những buổi lan tỏa văn hóa đọc.
Với sự quyết tâm đem đến những điều tốt đẹp cho các em nhỏ khiếm thị, dự án thư viện Bàn tay khéo léo đang ngày càng phát triển, thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng và xã hội. Dự án cũng chính là tấm lòng của những thầy cô sáng lập, muốn đem đến ánh sáng và sự ấm áp cho các em nhỏ chịu thiệt thòi trong cuộc sống, giúp các em ngày một tự tin và hòa nhập với thế giới sôi động đang diễn ra xung quanh mình, cũng như đem ánh sáng đến gần hơn với những em nhỏ khiếm thị.
Mai Vy