- Nhằm giải cơn khát thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực an toàn thông tin, Hệ thống Đào tạo công nghệ thông tin Quốc tế Bachkhoa-Aptech vừa công bố các chương trình đào tạo nhân lực theo hướng thực chiến với thời gian đào tạo từ 4 tháng đến 2 năm.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, Việt Nam có khoảng 50.000 nhân sự làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin và nhu cầu trong lĩnh vực này lên tới 700.000 người.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống công nghệ thông tin ngày càng phức tạp, tinh vi, nhu cầu tuyển dụng nhân lực an ninh mạng tại Việt Nam rất lớn và ngày càng yêu cầu cao về chất lượng.
Theo các chuyên gia, với khoảng 2.000 sinh viên ngành an toàn thông tin được bổ sung mỗi năm từ các cơ sở đào tạo, nguồn nhân lực này vẫn như “muối bỏ bể” so với nhu cầu thực tế.
Để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo nhận sự an toàn thông tin và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, Công ty cổ phần An ninh mạng thông minh SCS (SafeGate) và Hệ thống Đào tạo CNTT Quốc tế Bachkhoa-Aptech vừa ký kết hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực an toàn thông tin, nhằm góp phần nâng cao nguồn nhân lực an toàn thông tin.
Hai bên sẽ cùng phối hợp xây dựng và thiết kế các chương trình đào tạo chuyên gia An ninh mạng; Kiến tạo hệ sinh thái đào tạo toàn diện gồm học tập - thực tập trải nghiệm – việc làm cho sinh viên an toàn thông tin.
Các chương trình đào tạo an ninh mạng theo lộ trình tinh gọn từ 4 tháng tới 2 năm, phù hợp cho nhiều đối tượng gồm học sinh mới tốt nghiệp THPT yêu thích và đam mê lĩnh vực an ninh mạng; sinh viên đang học CNTT và chuyên ngành an toàn thông tin tại các trường đại học, cao đẳng; người đi làm muốn chuyển đổi ngành nghề hoặc nâng cao kiến thức về An toàn thông tin.
Theo ông Kiều Đức Hạnh, Giám đốc Bachkhoa-Aptech, chương trình đào tạo Chú trọng rèn kỹ năng thực hành với 900 giờ chuyên môn theo mô hình Làm trước học sau, 3 tháng thực tập tại doanh nghiệp, sở hữu 4 sản phẩm thực tế, trang bị Tiếng Anh, kỹ năng mềm, kỹ năng Digital Marketing và hoạt động ngoại khóa cho học viên.
Ngoài ra, các chương trình đào tạo không chỉ tập trung vào lý thuyết kiến thức chuyên môn mà còn tập trung vào thực hành tới 75% thông qua đào tạo "on job training" cùng các chuyên gia hàng đầu để học viên áp dụng kiến thức vào công việc thực tế.
Thời gian qua, tình hình an ninh mạng ở Việt Nam diễn biến phức tạp khi hai doanh nghiệp lớn trở thành đối tượng tấn công mã hoá dữ liệu tống tiền, gây thiệt hại nghiêm trọng. Các chuyên gia cảnh báo, thời gian tới, xu hướng tấn công mã hoá dữ liệu tống tiền tiếp tục gia tăng ở Việt Nam.