- Những ngày qua, cộng đồng mạng “dậy sóng” với trào lưu truy tìm 673 ngàn tỷ của bà Trương Mỹ Lan ngoài biển, chuyên gia an ninh mạng cảnh báo người dùng mạng xã hội nên cẩn trọng với trend này, và mới đây luật sư của bà Trương Mỹ Lan cũng có đơn đề nghị xử lý hành vi vi phạm Luật An ninh mạng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, trong phiên xử sơ thẩm sáng 5/3. Ảnh: Lao động |
Trend “truy tìm kho báu” của bà Trương Mỹ Lan xuất phát từ đâu?
Sau khi phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đồng phạm khép lại, người dùng mạng xã hội rộ lên trào lưu "rủ nhau ra khơi truy tìm kho báu 673 nghìn tỷ của Trương Mỹ Lan".
Trào lưu “truy tìm kho báu” được cho là xuất phát từ đoạn clip được cho là ghi lại cảnh bà Lan trả lời thẩm vấn của HĐXX trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mà TAND TP HCM vừa đưa ra xét xử (từ ngày 5/3-11/4/2024). Trong clip có đoạn hội thoại giữa HĐXX và bà Trương Mỹ Lan: Khi HĐXX hỏi bà Lan giấu khoản tiền 673 ngàn tỷ ở đâu, bà Lan đáp - tiền đang ở ngoài biển.
Sau đó, nhiều người đã vô tư "đu trend tìm kho báu" trên mạng xã hội bằng những bức ảnh chế, các đoạn video chèo thuyền ra khơi tìm kho báu... mà bất chấp hành động này ẩn chứa nhiều rủi ro, thậm chí vi phạm pháp luật.
Người dùng nên cẩn thận, đề phòng bẫy lừa đảo
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia an ninh mạng cảnh báo người dùng mạng xã hội nên cẩn trọng với trend “đi tìm kho báu của Trương Mỹ Lan”. Trả lời trên VTC News, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) chuyên viên an ninh mạng và điều tra số tại Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam, cho biết trào lưu này thực chất là trò đùa vui của một bộ phận người dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu xét đến bối cảnh dẫn đến trào lưu thì chẳng có gì đáng để hùa theo. Thông tin "kho báu 673 nghìn tỷ ngoài biển của Trương Mỹ Lan" là tin giả, chúng ta không nên hùa theo mà lan truyền vì nó gây hoang mang cho xã hội ”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Ngô Minh Hiếu: “Trào lưu này mang đến sự tiêu cực, về lâu dài thì khiến nhiều người lầm tưởng rằng Trương Mỹ Lan thực sự có kho báu ngoài biển khơi. Thêm nữa, nó còn gây ảnh hưởng đến vụ án vì là tin giả... Người dùng mạng xã hội, kể cả người bình thường lẫn người nổi tiếng cần cẩn trọng đến thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, phải kiểm tra xem thông tin đúng hay chưa. Nếu chia sẻ thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người khác thì chính bản thân mình là người chịu thiệt hại” , ông Hiếu cảnh báo.
Về nguy cơ kẻ gian lợi dụng các trào lưu để thực hiện việc lừa đảo người dùng mạng xã hội, ông Hiếu đánh giá hiện nay chưa xuất hiện vụ lừa đảo nào có liên quan trào lưu "đi tìm kho báu của Trương Mỹ Lan", tuy nhiên, người dùng mạng xã hội cũng cần thận trọng.
“Kẻ xấu sẽ lợi dụng các trào lưu để tạo trang web đầu tư, cá cược liên quan đến chủ đề đang thịnh hành trên mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo. Thêm nữa, một số người sẽ lập ra trang web chế nhạo, bôi nhọ để gây chia rẽ dư luận xã hội” , ông Hiếu khẳng định.
Đề nghị xử lý người tạo trend 'ra khơi tìm kho báu'
Trong một diễn biến liên quan, mới đây luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh), người bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan đã có đơn đề nghị xử lý hành vi vi phạm Luật An ninh mạng. Đơn gửi Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an); gửi Cục phát thanh truyền hình, thông tin điện tử (Bộ TT&TT); gửi TAND TP HCM, VKSND Tối cao (Vụ 3) và gửi Cơ quan CSĐT (C03), Bộ Công an.
Trong đơn, luật sư Thanh nêu rõ, từ 5/3 - 11/4, TAND TP HCM đưa vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan ra xét xử sơ thẩm. Trong suốt quá trình giải quyết tất cả các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đều có thái độ tôn trọng, hợp tác với HĐXX, VKS và các đơn vị nghiệp vụ.
Tuy nhiên sau phiên tòa sơ thẩm, xuất hiện đoạn clip lồng ghép, xuyên tạc hội thoại giữa Chủ tọa phiên tòa và bà Trương Mỹ Lan. Đoạn clip đó đến nay đã tạo cơn sốt, thậm chí đã trở thành viral (lan truyền), tạo trend (xu hướng) tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội…"
Theo luật sư Thanh, dù là clip cắt ghép nhưng được thực hiện một cách công phu, bài bản; tạo dư luận xấu, làm giảm đi sự uy nghiêm của tòa án. Không những vậy, đoạn clip đã xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của bà Lan và không có việc bà Trương Mỹ Lan nói 673.000 tỷ đồng ở ngoài biển. Đây là số tiền được HĐXX tính toán sau khi xét xử và nêu trong phần tuyên án.
Hành vi của người tạo dựng clip đã vi phạm các hành vi bị cấm nghiêm cấm về an ninh mạng theo điểm d Khoản 1 Điều 8 và điểm a, b Khoản 3, Khoản 5 Điều 16 Luật An ninh mạng.
Để ngăn chặn những tác động xấu tiếp tục xảy ra cho người dân và xã hội, luật sư Thanh đề nghị các cơ quan xác minh, điều tra làm rõ hành vi vi phạm, xử lý nghiêm người thực hiện hành vi để răn đe và phòng ngừa chung, tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời, luật sư mong Cục phát thanh truyền hình, thông tin điện tử yêu cầu các cá nhân đã đăng tải clip và các tổ chức quản lý gỡ bỏ clip này khỏi tài khoản và các nền tảng mạng xã hội, website.
Luật An ninh mạng Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng Điều 16: Điều 16. Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng 3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: |
P.M