- Theo lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, cần đặc biệt quan tâm ứng dụng chuyển đổi số y tế và đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia vào quản lý dịch vụ máu, trước hết là người hiến máu.
Đề nghị được Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa đưa ra tại Hội nghị Công tác truyền máu toàn quốc năm 2024, do Viện Huyết học - Truyền máu Truyền máu Trung ương phối hợp tổ chức ngày 11/4.
TS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị. |
“Bộ Y tế đánh giá cao sự điều phối, tương trợ, chia lửa của các Trung tâm Truyền máu trên cả nước trong lúc khó khăn, đặc biệt đã hỗ trợ hàng chục nghìn đơn vị máu cho đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi cũng đánh giá cao sự tham gia của TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các ban ngành đoàn thể đã đóng góp tích cực vào phong trào hiến máu tình nguyện. Hiện nay tỷ lệ hiến máu tình nguyện nước ta đã đạt 97% – đó là con số hết sức tự hào của chúng ta”, TS. Nguyễn Trọng Khoa khẳng định.
Để tiếp tục duy trì, phát triển dịch vụ máu an toàn, chất lượng, bền vững, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, các cơ sở truyền máu phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ Y tế, các cơ quan liên quan tập trung tham mưu các giải pháp đảm bảo nguồn máu an toàn, chất lượng cho điều trị, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo bằng cách phát huy các ngân hàng máu sống ở các khu vực này.
Đồng thời, cần rà soát quy hoạch, hệ thống văn bản, cơ sở pháp lý liên quan đến phát triển dịch vụ máu để đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tế nếu cần. Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hướng đến dịch vụ truyền máu ngày càng chất lượng – hiệu quả – bền vững.
Báo cáo về công tác truyền máu toàn quốc cho thấy, việc ứng dụng, sử dụng phần mềm trong quản lý hoạt động truyền máu ở nước ta còn hạn chế, chưa kết nối giữa các trung tâm, nhiều đơn vị vẫn nhập liệu thủ công.
Bên cạnh đó, các bước trong quản lý xét nghiệm, điều chế, cấp phát đơn vị máu chưa được kết nối với nhau và kết nối thông tin người hiến máu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai sót trong quá trình thực hiện; chưa xây dựng, đồng bộ được hệ thống dữ liệu quốc gia về người hiến máu, khó khăn trong công tác đảm bảo chế độ quyền lợi, khen thưởng kịp thời.
Từ tồn tại này, ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng tới đây cần đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng chuyển đổi số y tế và đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia vào quản lý dịch vụ máu, trước hết là người hiến máu; phát triển phần mềm trong quản lý, nâng cao sự kết nối giữa các cơ sở truyền máu.
Các trung tâm máu cần quan tâm đến việc đào tạo, tuyển chọn nhân lực làm công tác truyền máu; đảm bảo thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, hóa chất sinh phẩm, túi máu…, không để gián đoạn hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu.
Ngoài ra, theo báo cáo tại hội nghị, năm 2023, tình trạng thiếu vật tư, túi máu, hóa chất, sinh phẩm vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Tại một số đơn vị, hoạt động tiếp nhận máu bị gián đoạn hoặc phải dừng toàn bộ do thiếu túi máu.
Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là lượng máu tiếp nhận tại 77 cơ sở y tế trên cả nước vẫn tăng 6% so với năm trước đó. Cụ thể, toàn quốc tiếp nhận gần 1,6 triệu đơn vị máu, 30% trong đó là máu được Viện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận. Từ kết quả máu tiếp nhận được và có kết quả sàng lọc an toàn, các cơ sở truyền máu điều chế được hơn 2,9 triệu chế phẩm máu theo nhu cầu, tăng 15% so với năm 2022.