- Tận dụng tính năng hữu ích trên các nền tảng mạng xã hội facebook, tiktok,…, nhiều người đã sử dụng hình thức livestream (phát trực tiếp) để bán hàng qua mạng. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng được rao bán là hàng giả, hàng nhái khiến người tiêu dùng bất an. Mới đây, công an TP Thanh Hóa đã bắt giữ 3 đối tượng liên quan đến đến việc sản xuất, buôn bán dung dịch vệ sinh phụ nữ Femfresh nghi là hàng giả và thường xuyên stream bán sản phẩm này trên các trang mạng xã hội.
3 đối tượng (từ trái qua phải): Phương, Dung, Nguyện và tang vật thu giữ |
Cụ thể: Công an thành phố Thanh Hóa vừa điều tra, làm rõ và bắt 3 đối tượng có hành vi "Sản xuất, buôn bán hàng giả" là dung dịch vệ sinh phụ nữ gồm: Trần Thị Phương, sinh năm 1995 ở phường Đông Hải, TP.Thanh Hóa; Phạm Thùy Dung, sinh năm 1994 ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội và Nguyễn Thị Nguyện, sinh năm 1991, ở xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
Trước đó, qua công tác nắm tình hình Công an thành phố Thanh Hóa phát hiện Trần Thị Phương là chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm "Phương Trần" có địa chỉ tại 260-262 Quang Trung, phường Ngọc Trạo, TP.Thanh Hóa có kinh doanh sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Femfresh nghi là hàng giả, thường xuyên live stream bán hàng trên các trang mạng xã hội.
Quá trình xác minh, Công an TP.Thanh Hóa xác định: Sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Femfresh có xuất xứ tại Anh của thương hiệu Chuch & Dwight CO. Inc sản xuất. Sản phẩm được phân phối độc quyên tại thị trường Việt Nam bởi Công ty TNHH phát triển và thương mại Trần Gia, địa chỉ số 149 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Tiến hành triệu tập Trần Thị Phương đã làm việc để làm rõ nguồn gốc sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Femfresh mà Phương đang bán tại cửa hàng, Trần Thị Phương đã khai nhận: Từ đầu năm 2024 đến nay, Phương có mua sản phẩm dụng dịch vệ sinh phụ nữ Femfresh là hàng giả để bày ở cửa hàng để bán kiếm lời. Theo đó, Phương đã tự nguyện giao nộp số hàng giả gồm 235 chai với tổng giá trị gần 40 triệu đồng.
Điều tra mở rộng, Công an TP. Thanh Hóa đã triệu tập và tạm giữ hình sự đối với 2 đối tượng cung cấp hàng giả ra thị trường là Phạm Thùy Dung và Nguyễn Thị Nguyện.
Qua làm việc và khám xét nơi ở của các đối tượng liên quan, Công an TP.Thanh Hóa đã thu giữ 794 chai dung dịch vệ sinh phụ nữ Femfresh và hơn 15.000 sản phẩm mà các đối tượng giao nộp hiện chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ.
Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, số sản phẩm Femfresh đều là hàng giả, không phải do đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm trên thị trường Việt Nam cung cấp. Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Xử lý nghiêm việc buôn bán hàng giả, hàng nhái
Trong thời gian qua, việc kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội nở rộ tại Việt Nam. Việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ luôn là nỗi lo của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tại nhiều tỉnh thành, rất nhiều vụ việc kinh doanh, sản xuất hàng giả, nhái thương hiệu lớn đã được lực lượng Công an và Quản lý thị trường phát hiện, xử lý.
Theo Lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường cho biết, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường theo dõi, rà soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi bán hàng giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu công khai trên các nền tảng thương mại điện tử, góp phần mang lại niềm tin cho người dân và xã hội, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước cũng như thu hút sự quan tâm, tin tưởng của các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người tiêu dùng phải tự bảo vệ chính mình. Người tiêu dùng cần lựa chọn những đơn vị bán hàng có thương hiệu, uy tín; khi mua hàng không nên cung cấp thông tin cá nhân công khai trên livestream và cũng cần chọn phương thức thanh toán bảo đảm.
Việc gian dối, bán hàng nhái, hàng giả... là hành vi vi phạm pháp luật và xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm, các hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, nếu trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015".
P.Mai