- UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình “Chuyển đổi số của TP.HCM” và Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh” năm 2024.
Kế hoạch nhằm bám sát, triển khai thực hiện đầy đủ, nhất quán các định hướng, mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy TP và HĐND TP. Thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các nhóm giải pháp, biện pháp nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn TP.
Năm 2024, TP tập trung công tác chuyển đổi số gắn với Chủ đề năm 2024 của TP là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội” và phù hợp định hướng chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông; số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý ảo để giảm tải và tăng năng suất, chất lượng cho cán bộ, công chức tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Cụ thể, 4 ưu tiên chính của chuyển đổi số quốc gia trong năm 2024 gồm có: Ưu tiên phát triển dữ liệu số, đây là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số; Uuuw tiên quản trị số, đảm bảo cho sự phát triển nhanh chóng và lành mạnh của nền kinh tế số; Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, đây sẽ là ngành công nghiệp chủ đạo cung cấp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, nội dung số cho phát triển kinh tế số; Ưu tiên số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo – đây là mặt trận chính cho sự phát triển của nền kinh tế số, mở ra không gian phát triển mới.
Kế hoạch đề ra 4 nhóm chỉ tiêu:
1. Chỉ tiêu theo Chủ đề công tác năm 2024 của TP (3 chỉ tiêu):
TP.HCM thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh.
100% hạ tầng CNTT được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ TP đến cấp huyện và phường xã thị trấn.
Đóng góp của kinh tế số trong GRDP TP đạt 22%);
2. Chỉ tiêu về Chính quyền số (8 chỉ tiêu):
100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP, kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia.
100% sở, ban - ngành, UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện, UBND phường, xã, thị trấn thực hiện ứng dụng thanh toán điện tử trong giải quyết TTHC; 100% đơn vị sự nghiệp công lập về lĩnh vực giáo dục, y tế ứng dụng thanh toán điện tử trong cung ứng dịch vụ.
100% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử trừ các văn bản có chứa bí mật nhà nước.
100% các đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị sử dụng chữ ký số trong thực hiện nhiệm vụ trên môi trường điện tử, giải quyết hồ sơ, giải quyết TTHC.
100% hệ thống báo cáo của TP được kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc theo đúng quy đinh của UBND TP tại Quyết định số 41/2011/QĐ-UBND ngày 17/6/2021.
Tỷ lệ số họa kết quả và hồ sơ giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban – ngành TP, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 70%, 60%, 55%.
Tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến đạt từ 60% trở lên.
3. Chỉ tiêu về Kinh tế số và xã hội số (13 chỉ tiêu):
Tỷ trọng kinh tế số đạt 25% GRDP.
Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%.
Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%.
Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.
Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 85%...
4. Chỉ tiêu về An toàn anh ninh thông tin (7 chỉ tiêu):
Tỷ lệ hệ thống thông tin cấp độ của TP.HCM được phân loại và thực hiện bảo vệ theo cấp độ đạt 100%.
Tỷ lệ hệ thống thông tin triển khai đầy đủ phương án bảo vệ theo Hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt đạt 90%...
Kế hoạch đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện trong năm 2024, gồm: Nhận thức số; Thể chế số; Hạ tầng số; Dữ liệu số; Nền tảng số; Nhân lực số; An toàn thông tin mạng; Chính quyền số; Kinh tế số; Xã hội số; Các trụ cột của Đề án Đô thị thông minh.