- Ngày 22/3, tại Bắc Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Lễ bế mạc Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 -2024. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 10 giải Nhất, 17 giải Nhì, 23 giải Ba và 27 giải Tư.
Dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Sở GDĐT, đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), cùng giáo viên và học sinh của 74 đoàn dự thi.
Thành công của cuộc thi là cú hích cho hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh
Cuộc thi diễn ra trong 3 ngày (20, 21, 22/3/2024) tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang với 149 dự án thuộc 74 đơn vị tham gia dự thi. Sau 3 ngày làm việc công tâm, khách quan, tích cực với tinh thần trách nhiệm cao, Ban Tổ chức đã trao 106 giải, trong đó có 10 giải Nhất, 17 giải Nhì, 23 giải Ba, 27 giải Tư và 29 giải Triển vọng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá cao sự phấn đấu miệt mài, học tập, say mê, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của các em học sinh để có những đề tài, dự án tham dự cấp trường, cấp tỉnh và quốc gia. Các em đại diện cho hàng triệu học sinh, trên mọi miền tổ quốc, vinh dự của 74 đoàn với 149 dự án có mặt tại đây.
Thứ trưởng Bộ GDĐT nhận định, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cũng như các đơn vị đồng hành, các Bộ, ban, ngành, các sở GDĐT, các trường học, phụ huynh đều quan tâm thì rõ ràng GDĐT của chúng ta luôn lấy học sinh làm trung tâm, tất cả hướng về các em.
Kết quả hôm nay có em đạt giải, có em chưa đạt giải, Thứ trưởng Bộ GDĐT gửi gắm đến các em câu nói nổi tiếng của nhà Vật lý học Albert Einstein: “Thất bại chỉ là thành công đang tiến triển”. Vì vậy, Cuộc thi này, những học sinh đoạt giải dù cao hay thấp hãy tiếp tục phấn đấu để khẳng định, để mình trở nên có giá trị. Những em chưa đoạt giải thì không có nghĩa là thất bại. Sau Cuộc thi vẫn tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê, khát vọng, hoài bão trong cuộc sống nói chung và khoa học nói riêng.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, Ban Chỉ đạo Cuộc thi Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, Cuộc thi năm nay thành công tốt đẹp. Đây là năm thứ 12 cuộc thi diễn ra nên chỉ đạo, lãnh đạo là phải phát huy tối đa những ưu điểm, hạn chế, rút kinh nghiệm những tồn tại của những cuộc thi trước.
Thứ trưởng Bộ GDĐT ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp, tham gia, chu đáo, tận tình, chuyên nghiệp, trách nhiệm của Sở GDĐT, UBND tỉnh Bắc Giang. Mọi khâu chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để các đoàn, các em học sinh yên tâm tham dự cuộc thi.
Thứ trưởng BGĐT cũng ghi nhận và đánh giá cao sự công tâm, khách quan của Ban giám khảo. Những đề tài của học sinh năm nay tham gia, lựa chọn chất lượng hơn, những dự án dự thi đoạt giải cũng rất xứng đáng.
Thành công của cuộc thi là cú hích rất lớn, tạo nên phong trào học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật đối với học sinh trung học tiếp nối từ nhiều năm. Để tổ chức được phong trào này Thứ trưởng ghi nhận sự cố gắng, tận tụy, tâm huyết của đội ngũ giáo viên phổ thông, phụ huynh học sinh, các đơn vị, nhà tài trợ tham gia từ cấp cơ sở đến nay.
Thứ trưởng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) và mong rằng sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ GDĐT trong thời gian tới.
Các dự án của Việt Nam đủ tự tin tham gia cuộc thi quốc tế
Thay mặt Ban Giám khảo Cuộc thi, PGS.TS Trần Huy Hoàng - Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi cho biết: Với tinh thần Cuộc thi là góp phần tích cực vào đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh, Ban Giám khảo đã bám sát các tiêu chí cuộc thi, kiểm tra các ý tưởng sáng tạo và năng lực nghiên cứu, tìm tòi khoa học của học sinh. Đặc biệt các ý tưởng tư duy khoa học của các em được thể hiện như thế nào, khả năng thực nghiệm ra làm sao để có những kết quả sáng tạo, có tính ứng dụng cao vào thực tiễn.
Theo PGS.TS Trần Huy Hoàng, các lĩnh vực nghiên cứu được các em lựa chọn năm nay khá phong phú, nhiều đề tài đã có nội dung và phương pháp phù hợp thực tiễn. Tiến trình nghiên cứu, trình bày và báo cáo khoa học được thực hiện theo đúng yêu cầu của một nghiên cứu khoa học. Một số đề tài đã tiếp cận được các vấn đề lớn, có tính khái quát, kỹ thuật cao, được thực hiện trong các phòng thí nghiệm hiện đại. Đặc biệt rất nhiều dự án tiếp cận theo hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI. Điều này cho rằng, các em đã phát hiện ra nhiều vấn đề mới, giúp rèn luyện và nâng cao nghiên cứu khoa học cho bản thân.
Các đề tài năm nay cũng được chuẩn bị công phu hơn và đúng theo quy trình của một công trình khoa học dự thi. Trong đó, có những dự án đã quy tu được những ý tưởng khoa học độc đáo, hàm lượng khoa học cao. Đa số các đề tài đều có sự đầu tư đáng kể cả về hình thức lẫn nội dung. Đặc biệt, kỹ năng trình bày báo cáo của các em rất rõ ràng, tự tin. Các câu hỏi của Ban Giám khảo cũng như trả lời của các em học sinh ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề khoa học.
Nhiều em học sinh có kiến thức hiểu biết tốt trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Đây là minh chứng cho sự học hỏi, tìm tòi và tham khảo các tài liệu khoa học cả trong và ngoài nước. Một số em còn cho thấy khả năng ngoại ngữ khi trình bày và trả lời lưu loát câu hỏi bằng tiếng Anh do các thầy cô trong Ban Giám khảo đặt ra. Điều đó, cho thấy các dự án của Việt Nam đủ tự tin tham gia vào Cuộc thi quốc tế diễn ra tại Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Thay mặt đơn vị tổ chức, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang Bạch Đăng Khoa cho hay: Ban Tổ chức Cuộc thi đã phối hợp với các sở, ban, ngành để đảm bảo an ninh, an toàn, thực hiện công tác truyền thông, đón tiếp, triển khai các hoạt động tại Cuộc thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đoàn, thí sinh tham gia Cuộc thi.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã tuyên bố phát động và trao cờ đăng cai tổ chức Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2024-2025 cho Sở GDĐT thành phố Hồ Chí Minh.