- Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), liên quan đến hoạt động liên kết tăng cường môn Toán, Tiếng Việt giữa trường tiểu học trên địa bàn thành phố với các công ty truyền thông giáo dục, Thường trực Thành ủy đã yêu cầu 18 trường trên địa bàn thành phố dừng hoạt động này.
Lý do các trường đều sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường để tổ chức dạy học liên kết nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Năm học 2023-2024, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có 158 trường ở các cấp học và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Trong đó, có 125 trường công lập và 33 trường ngoài công lập, với 100.856 học sinh. Đến đầu năm 2024, trên địa bàn có 58 trường mầm non và trường tiểu học tổ chức giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa liên kết với các công ty. Thành phố có 18 trường tổ chức dạy liên kết câu lạc bộ Toán và Tiếng Việt ngoài giờ chính khóa, với hơn 14.000 học sinh. Các trường như: Trường Tiểu học Đông Thọ (1.433 học sinh tham gia 2 tiết/tuần, 12.000 đồng/tiết); Trường Tiểu học Điện Biên 1 (1.502 học sinh tham gia, 2 tiết/tuần, 12.000 đồng/tiết); Trường Tiểu học Ba Đình (1.432 học sinh tham gia, 1 tiết/tuần, 12.000 đồng/tiết). Qua kiểm tra, đến cuối tháng 2/2024, thành phố Thanh Hóa yêu cầu các trường tổ chức dạy Toán, Tiếng Việt ngoài giờ chính khóa liên kết với các Công ty dừng hoạt động.
Trước đó, có dư luận về những bất cập của hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa tại một số địa phương trên cả nước và để tăng hiệu quả quản lý, đảm bảo quyền lợi của giáo viên, học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa có Công văn số 4230/SGDĐT-QLĐT&GDTX về việc quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Sở yêu cầu, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.
Các đơn vị nhà trường bảo đảm tổ chức giảng dạy theo đúng giáo trình, tài liệu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (khi có thay đổi về giáo trình, tài liệu phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo theo đúng quy định). Các nhà trường tăng cường giảng dạy bổ trợ, giúp học sinh nâng cao kỹ năng được quy định tại Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chú trọng giảng dạy lý thuyết gắn với thực hành, rèn luyện kỹ năng sống. Các đơn vị, nhà trường có giải pháp phù hợp nâng cao năng lực tổ chức hoạt động và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên khi tham gia hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa ở trong trường học…