- Kể từ đầu năm đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận tình trạng gia tăng các ca mắc ho gà, bệnh có khả năng lây nhiễm cao ảnh hưởng đến phổi và đường hô hấp.
Ho gà lây qua đường hô hấp do vi khuẩn. Bệnh nhân thường ủ bệnh từ khoảng 7 - 20 ngày. Bệnh thường khởi phát bởi triệu chứng ho nhiều, chảy nước mũi và có thể có sốt nhẹ. Sau đó, ho một loạt các cơn ho liên tục, trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, ho kéo dài dẫn tới việc trẻ nôn ọe, không ăn được, mệt mỏi, chảy nước mắt, nước mũi, kiệt sức.
Sau cơn ho, bệnh nhân xuất hiện thở rít nên người ta gọi là ho gà. Cơn ho khiến trẻ khó chịu, mất ngủ về đêm, kém ăn, bỏ ăn, gây suy dinh dưỡng và các bệnh lý khác... Bệnh ho gà có thể gây biến chứng nghiêm trọng, do ho dai dẳng, kéo dài làm cho trẻ bị kiệt sức dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não...
Trước khi có vaccine ho gà được đưa vào lưu hành năm 1958, đây là một trong những bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất ở trẻ em.
Hãng Euronews ngày 20/3 đưa tin Séc đang phải vật lộn để ngăn chặn tình trạng gia tăng các ca mắc ho gà. Chỉ trong tuần đầu tháng 1, nước này đã ghi nhận 28 trường hợp mắc ho gà. Con số này hiện nay là 3.084 trường hợp, cao chưa từng có kể từ năm 1963. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở độ tuổi từ 15 đến 19, chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân.
Theo Bộ trưởng Y tế Séc Vlastimil Válek, tình trạng cao đột biến số ca mắc ho gà có thể là do kết hợp giữa việc các bệnh về đường hô hấp tăng khi xã hội chuyển dần khỏi các biện pháp nghiêm ngặt phòng COVID-19 và việc tiêm chủng không đầy đủ ở trẻ em.
Hà Lan cũng ghi nhận đợt bùng phát bệnh ho gà với 4 bệnh nhi đã tử vong. Viện Y tế công cộng và Môi trường Quốc gia Hà Lan (RIVM) ghi nhận 1.400 ca mắc ho gà tính từ đầu năm đến nay. RIVM kêu gọi những người bị ho hoặc sổ mũi tránh tiếp xúc với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
RIVM nhấn mạnh: “Khoảng 85% trẻ sơ sinh không được bảo vệ đầy đủ khỏi bệnh ho gà vì trẻ hoặc mẹ chưa được tiêm phòng. Tiêm chủng cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh là cách quan trọng nhất để ngăn ngừa bệnh ho gà”. Việc tiêm chủng cho thai phụ ở tuần thứ 22, sau đó là tiêm chủng cho trẻ sơ sinh, giúp ngăn ngừa mắc ho gà ở 9/10 trẻ dưới 3 tháng tuổi. Theo chương trình tiêm chủng của Hà Lan, trẻ em sẽ được tiêm ba mũi phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt. Chúng được tiêm liều tăng cường khi tròn bốn tuổi và một lần nữa sau sinh nhật thứ chín.
Tỷ lệ tiêm chủng của trẻ em ở Hà Lan đã giảm kể từ đại dịch COVID-19. Trong tháng 3, cơ quan y tế cảnh báo rằng tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em ở The Hague (La Haye) đã giảm 10% trong 4 năm. Hiện không có một quận nào ở The Hague đáp ứng tỷ lệ tiêm chủng tối thiểu 90% cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Trong khi đó, Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết khoảng 553 trường hợp mắc ho gà được ghi nhận trong tháng 1. Trong cả năm 2023, con số này là 858 trường hợp. Số ca mắc ho gà ở Anh tăng vọt khiến giới chức y tế bày tỏ quan ngại về việc sử dụng vaccine.
Các bậc cha mẹ được khuyến khích kiểm tra xem con họ đã tiêm phòng bệnh ho gà hay chưa và UKHSA nhắc nhở phụ nữ mang thai cũng nên được bảo vệ. Vaccine phòng ho gà nằm trong mũi tiêm 6 trong 1 khi trẻ được 8, 12 và 16 tuần tuổi. Số trẻ hai tuổi hoàn thành vaccine 6 trong 1 tính đến tháng 9/2023 là 92,9%, trong khi con số này ở tháng 3/2014 là 96,3%.
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.