- Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, với hiệu ứng Luật Đất đai và luật liên quan, 2 tháng đầu năm 2024, số hồ sơ nhà đất cần giải quyết tăng hơn 18.000 hồ sơ so với năm 2023, nguồn thu thuế tăng 45% so với cùng kỳ…
Chiều 6/3, Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 do Bộ TN&MT tổ chức trực tiếp tại Hội trường Bộ và kết nối trực tuyến tới 500 điểm cầu tại các 63 tỉnh, thành phố và cả cấp huyện trên cả nước.
Luật Đất đai 2024 góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách
Giới thiệu các điểm mới của Luật Đất đai 2024, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai đã trải qua 9 lần sửa đổi, Luật là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Luật Đất đai 2024 có những điểm mới bám sát Nghị quyết 18 của Trung ương và được cụ thể hóa như: chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; bổ sung; quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền lựa chọn của đơn vị sự nghiệp công lập; quy định về nhận chuyển nhượng đất lúa; chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận, giá đất…
Trong đó, về tài chính giá đất, Luật đã có chính sách ổn định tiền thuê đất hàng năm. Cụ thể: Tiền thuê đất hằng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 05 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gắn với việc chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm.
Tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ vào bảng giá đất của năm xác định tiền thuê đất tiếp theo. Trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh nhưng không quá tỷ lệ do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn. Tỷ lệ điều chỉnh do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn không quá tổng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm cả nước của giai đoạn 05 năm trước đó…
Về phương pháp định giá đất, Luật quy định cụ thể các phương pháp định giá đất, bao gồm: phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, đồng thời giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác 4 phương pháp trên sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định trường hợp, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất; trường hợp áp dụng các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể mà có kết quả thấp hơn giá đất trong Bảng giá đất thì sử dụng giá đất trong Bảng giá đất.
Luật Đất đai 2024 sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế, tháo gỡ cho địa phương
Tại hội nghị, đại diện UBND nhiều tỉnh, thành phố đánh giá Luật Đất đai 2024 đã bám sát tinh thần Nghị quyết 18, giải quyết được những vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai 2013.
Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho rằng, Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai 2013. Ông Sơn tin tưởng rằng Luật Đất đai 2024 sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế, tháo gỡ vướng mắc ở địa phương.
Ông Sơn đề nghị sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật để địa phương thực hiện đảm bảo sự thống nhất. Tỉnh Tuyên Quang cũng kiến nghị Bộ TN&MT điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đai để phục vụ phát triển KT- XH; bố trí kinh phí thực hiện đo đạc địa chính…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường thông tin, với hiệu ứng Luật Đất đai và luật liên quan, 2 tháng đầu năm 2024, số hồ sơ nhà đất cần giải quyết tăng hơn 18.000 hồ sơ so với năm 2023, nguồn thu thuế tăng 45% so với cùng kỳ, góp phần tổng thu của Thành phố tăng khoảng 13%.
Ông Cường cũng cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Luật và các ý kiến góp ý đã được Bộ TN&MT tiếp thu tối đa. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung góp ý vào các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành và mong muốn sớm ban hành các Nghị định. TP.HCM sẽ sớm ban hành các Văn bản theo thẩm quyền được giao trong Luật Đất đai 2024. Ông Cường kiến nghị Bộ TN&MT sớm tổ chức các đoàn công tác, tập huấn về những nội dung mới của Luật.
Theo ông Đinh Ngọc Minh, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Luật Đất đai 2024 có 3 điểm mới mà người dân mong chờ là đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ cây trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác; quy định rõ sử dụng đất đa mục đích và quản lý đất nông lâm trường quốc doanh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm nhận định, Luật có nhiều đổi mới nhất là về phân cấp thẩm quyền, cải cách hành chính. Ông Liêm mong muốn các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cần quy định cụ thể các nội dung Luật, đặc biệt về tài chính đất đai để minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và sớm ban hành để Luật đi vào cuộc sống.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, theo Quyết định 222/QĐ-TTg, Bộ TN&MT được giao xây dựng trình Chính phủ 6 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 4 Thông tư. Hiện nay Bộ đang khẩn trương xây dựng các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành và lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện.
Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao đầy đủ các nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cần tập trung vào việc chỉ đạo rà soát và ban hành các văn bản theo thẩm quyền, trong đó tập trung vào nhiệm vụ xây dựng bảng giá đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không giấy tờ; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát đất nông lâm trường… để khi Luật có hiệu lực đảm bảo sự đồng bộ, giải quyết các tồn tại, vướng mắc.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, các địa phương rất mong chờ Luật Đất đai có hiệu lực sớm và tin tưởng rằng Luật khi có hiệu lực sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với giải quyết các vướng mắc, tồn tại trên thực tế.