- Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Nguyễn Thị Trang đề xuất đưa nội hàm “văn hóa số” vào điều lệ Đảng, bởi hiện nay có rất nhiều đảng viên tham gia vào môi trường số.
Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số quốc gia, khi Thủ tướng đặt câu hỏi: Đâu là cốt lõi để thanh niên thể hiện vai trò xung kích trong chuyển đổi số? giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (thuộc Bộ Nội vụ) Nguyễn Thị Trang cho rằng, cần tìm ra những rào cản, thách thức mà chúng ta đang đối mặt trong lĩnh vực này.
“Giá trị cốt lõi cũng là rào cản và thách thức, đó là văn hóa số. Làm sao để mỗi cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên phải trang bị cho mình văn hóa số khi tham gia vào môi trường mạng. Văn hóa số là những ứng xử, chuẩn mực, đạo đức của chúng ta khi giao tiếp trên môi trường số, đó là thói quen, lề lối làm việc của chúng ta. Văn hóa số là giá trị cốt lõi đầu tiên.” – chị Nguyễn Thị Trang nêu quan điểm.
Hiến kế về xây dựng văn hóa số, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Nguyễn Thị Trang đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung nội hàm văn hóa số vào Nghị định 1847 của Chính phủ vì hiện tại Nghị định này mới quy định về môi trường làm việc truyền thống cho cán bộ, công chức và viên chức.
“Vậy giao diện thế nào trên môi trường số, lề lối tác phong thế nào, giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp, cấp trên ra sao trên môi trường số? Chúng ta nên hoàn thiện, bổ sung, cập nhật để có một hành lang pháp lý cho cán bộ, công chức làm việc trên môi trường số.” – chị Nguyễn Thị Trang đặt vấn đề và đề xuất đưa nội hàm văn hóa số vào điều lệ Đảng, bởi hiện nay có rất nhiều đảng viên tham gia vào môi trường số.
Giảng viên Học viện Hành chính nhấn mạnh việc “cần có lập trường tư tưởng vững vàng trên môi trường số để các thế lực thù địch không thể lợi dụng”.
Trong khi đó, bạn Trịnh Văn Chiến, giảng viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông-Đại học Bách khoa Hà Nội nêu quan điểm: Nòng cốt của chuyển đổi số chính là tiện ích mà chuyển đổi số mang lại cho người dân, doanh nghiệp, từ đó tạo niềm tin để người dân, doanh nghiệp tin dùng.
“Nhà nước tạo ra cơ sở dữ liệu số và các ứng dụng số để người dân, doanh nghiệp sử dụng, làm giảm các thủ tục hành chính cồng kềnh, tuy nhiên trong quá trình triển khai, có thể các phần mềm, hệ thống chưa hoàn thiện.
Nhưng quan trọng nhất là phản hồi của người dùng về cơ sở dữ liệu của chuyển đổi số thế nào? Nhà nước nên tạo ra những kênh để người dân có thể phản hồi những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai chuyển đổi số, đề từ đó người triển khai có thể hoàn thiện hơn trong tương lai.” - giảng viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông-Đại học Bách khoa Hà Nội nói.