- Ngoài 200 chỉ tiêu cho ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, ĐH Đà Nẵng mở một số ngành học mới đáp ứng nhu cầu nhân lực số.
Năm 2024, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh 2800 chỉ tiêu ở 33 ngành đào tạo. Trong số này, có 18 ngành đào tạo giáo viên và 15 ngành đào tạo cử nhân khoa học. Trong đó có 3 ngành đào tạo mới là: Sư phạm Mỹ thuật và Khoa học dữ liệu đã được phê duyệt và ngành Quan hệ Công chúng đang chờ được phê duyệt chính thức.
Ngành Sư phạm Mỹ thuật được Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng mở nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, cho biết: “Hiện nay, số lượng giáo viên mỹ thuật thiếu rất nhiều tại các địa phương. Trong khi đó, cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên chỉ có 1 trường đại học đào tạo ngành này với số lượng chỉ tiêu hạn chế. Ngay khi ngành được phê duyệt, Nhà trường đã tiếp nhận được sự quan tâm, đăng ký tư vấn của rất nhiều thí sinh”.
Ảnh minh họa |
Theo dự báo, trong 5 năm tới, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn khoảng 20.000 người và 10 năm tới là 50.000 người trình độ từ Đại học trở lên. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai, năm 2024 Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (thuộc ĐH Đà Nẵng) dự kiến tuyển sinh khoảng 200 chỉ tiêu cho chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa tuyển sinh 100 chỉ tiêu, Trường ĐH Công nghệ thông tin & truyền thông Việt - Hàn và ĐH Sư phạm Kỹ thuật mỗi trường khoảng 50 chỉ tiêu.
Đối với ngành đào tạo Quan hệ công chúng, ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cụ thể tại thành phố Đà Nẵng – một trong những trung tâm truyền thông lớn của cả nước, chưa có đơn vị đào tạo nào xây dựng và tuyển sinh chương trình đào tạo Quan hệ công chúng ở bậc đại học. Một số chương trình hiện tại chủ yếu tập trung huấn luyện ngắn hạn một số kĩ năng trong lĩnh vực quan hệ công chúng. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng mở ngành đào tạo Cử nhân Quan hệ công chúng.
Trong năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng mở mới và đưa vào tuyển sinh hai chuyên ngành: Thiết kế vi mạch bán dẫn (thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông) và Ô tô điện (thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô).
“Việc mở các chuyên ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu cao của thị trường lao động Việt Nam về nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và ô tô điện. Các kết quả khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực cho thấy, thiết kế vi mạch cũng như ô tô điện sẽ là những lĩnh vực rất triển vọng trong thời gian tới. Do nhân lực ngành này dự kiến tăng cao thì kỹ sư làm việc trong lĩnh vực này cũng sẽ có mức thu nhập tốt, dĩ nhiên thu hút lượng lớn thí sinh”, TS. Nguyễn Linh Nam, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Ngoài ra, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng mở mới một số ngành như Hàn Quốc học; chuyên ngành Tiếng Hàn truyền thông thuộc ngành ngôn ngữ Hàn Quốc
TS. Nguyễn Linh Nam cho biết, trong những năm tuyển sinh gần đây, các ngành Công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá; Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử có tỉ lệ cạnh tranh cao, từ 1:6 đến 1:10.
Theo phân tích của Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, đây đều là những ngành xã hội có nhu cầu cao, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, được nhiều em thí sinh yêu thích lĩnh vực công nghệ kỹ thuật lựa chọn.
Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho biết: “luôn duy trì được tỉ lệ tuyển sinh ổn định từ 95 – 100% chỉ tiêu. Điểm chuẩn đầu vào của các ngành luôn ở mức cao, đặc biệt ở các ngành đào tạo giáo viên. Mức cạnh tranh ở các ngành đào tạo giáo viên là khá lớn khi SV học sư phạm được hỗ trợ học phí kèm theo chi phí sinh hoạt ở mức 3,63 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các ngành ngoài sư phạm thuộc khối xã hội trong những năm qua cũng có điểm chuẩn rất cao.
Hai trong số những ngành có điểm đầu vào khá cao tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng gần đây là công nghệ tài chính, thương mại điện tử. PGS.TS Lê Văn Huy, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Trong xu hướng đang phát triển, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần nhân lực thương mại điện tử, chưa kể các hộ kinh doanh cá thể bán hàng trên mạng cũng cần hiểu biết về lĩnh vực này.
Bình quân, điểm trúng tuyển vào các chuyên ngành như AI, Kỹ thuật máy tính, Điện tử viễn thông, Hệ thống Nhúng và IoT của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng những năm gần đây luôn xấp xỉ 27 điểm. Nhiều sinh viên trúng tuyển những ngành này có năng lực tiếng Anh tốt, có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế ngay từ năm thứ nhất.
Năm 2024, ĐH Đà Nẵng tuyển sinh mở lớp ở Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum theo hình thức 2+2. Theo đó, Sinh viên trúng tuyển học 2 năm đầu tại Phân hiệu Kon Tum và 2 năm cuối tại các cơ sở đào tạo,ngành Ngôn ngữ Anh (Trường ĐH Ngoại ngữ cấp bằng); ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô; ngành Công nghệ Kỹ thuật điều khiển & tự động hóa (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cấp bằng).
Năm 2024, ĐH Đà Nẵng tăng 900 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2023. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy trình độ đại học của ĐH Đà Nẵng dự kiến 16000 chỉ tiêu vào 6 trường đại học thành viên và 3 đơn vị đào tạo trực thuộc với tổng cộng 146 ngành, chương trình đào tạo khác nhau thuộc 16 lĩnh vực. Cụ thể:
- Trường ĐH Bách khoa: 3650 chỉ tiêu (tăng 200 chỉ tiêu)
- Trường ĐH Kinh tế: 3325 chỉ tiêu (tăng 100 chỉ tiêu)
- Trường ĐH Sư phạm: 2800 chỉ tiêu (tăng 70 chỉ tiêu)
- Trường ĐH Ngoại ngữ: 1900 chỉ tiêu (tăng 70 chỉ tiêu)
- Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật 1700 chỉ tiêu (tăng 200 chỉ tiêu)
- Trường ĐH CNTT&TT Việt – Hàn 1500 chỉ tiêu
- Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kontum: 270 chỉ tiêu
- Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh: 360 chỉ tiêu
- Khoa Y – Dược: 350 chỉ tiêu (tăng 50 chỉ tiêu)