Còn khoảng 40% ca mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện

0
0

 - Số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính; như vậy, sẽ có trên 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện và điều trị.

Thông tin được TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết tại lễ kỷ niệm Ngày Thế giới Phòng chống bệnh lao diễn ra tại Hà Nội sáng 22/3. 

Theo TS Lượng, ngày 24/3 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là ngày Thế giới Phòng chống lao để nhắc nhở mọi người về mối nguy hại của căn bệnh này đối với con người.

Các đơn vị thể hiện quyết tâm trong phòng chống bệnh lao, tại Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3).
Các đơn vị thể hiện quyết tâm trong phòng chống bệnh lao, tại Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3).

Vào ngày 24/3/1882 tại Berlin, Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này. Tuy nhiên, cho đến nay, đã 142 năm, bệnh lao vẫn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng trên toàn cầu.

"Dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, tốc độ giảm quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao còn rất thấp. Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng", TS Lượng nhấn mạnh. 

Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao và bệnh lao kháng đa thuốc đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh và gánh nặng bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Năm 2023, WHO ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. 

Mỗi năm, nước ta có khoảng 9.200 ca bệnh nhân lao đa kháng thuốc mới mắc, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm từng điều trị. So với miền Bắc và miền Trung, dịch tễ lao tại miền Nam còn nặng nề hơn rất nhiều, đặc biệt tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ với khoảng 400 đến 500 ca lao trên 100.000 dân. 

Theo TS Lượng, tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề, tuy nhiên số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Năm 2023, nước ta phát hiện 106.086 bệnh nhân lao các thể.

Như vậy, có gần 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc chưa báo cáo. Vì thế, Chương trình Chống lao Quốc gia cần đảm bảo nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp cải tiến, ưu tiên phát hiện bệnh lao bằng việc kết hợp nhiều biện pháp…

Cả nước hiện đã có 51/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi giúp mở rộng công tác chống lao, phát hiện ca bệnh.

Theo TS. BSCC Đinh Văn Lượng, trong giai đoạn tới, Bộ Y tế - Chương trình Chống lao Quốc gia sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược, chính sách phù hợp nhằm tăng cường vai trò, phát huy năng lực của hệ thống y tế tuyến cơ sở trong đó có cán bộ làm công tác chống lao. Cùng với đó là các hoạt động phát hiện tích cực, phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Chương trình Chống lao Quốc gia và các tỉnh, thành phố sẽ tham mưu, vận dụng có hiệu quả các văn bản, hướng dẫn về tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, khám chữa bệnh, mua sắm thuốc lao sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, áp dụng công nghệ thông tin trong triển khai bệnh án điện tử... Đồng thời, tăng cường công tác huy động nguồn lực bền vững trong nước và quốc tế, triển khai hiệu quả Kế hoạch Chiến lược phòng chống lao nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hướng tới mục tiêu người dân Việt Nam sống trong môi trường không có bệnh lao, gắn trách nhiệm với Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan, địa phương vào cuộc mạnh mẽ. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo việc đánh giá tổng kết các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Quyết định 374 về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; để có tham mưu, rà soát điều chỉnh, bổ sung để đạt mục tiêu thế giới đưa ra.

Cùng với triển khai thực hiện chương trình chống lao, Việt Nam cần nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; phải gắn công tác phòng chống lao với y tế tuyến cơ sở; đẩy mạnh tìm kiếm và phát hiện người mắc lao ngay từ trong cộng đồng. Cùng với đó, phải có cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện tốt phòng chống lao ngay từ tuyến cơ sở. Đồng thời, xây dựng được các phương án tài chính bền vững khi về lâu dài nguồn tài trợ cho công tác chống lao sẽ rất khó khăn, cần có chiến lược chuyển đổi phù hợp để đáp ứng tình hình.


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.