- Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại.
Đó là chị N.T.T. (31 tuổi), ngụ ở khu phố Lập Hòa, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam.
Ngay khi ghi nhận trường hợp trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận thông báo ổ dịch lây truyền từ động vật sang người cho Chi cục Thú y tỉnh phối hợp điều tra, giám sát. Trung tâm Y tế Hàm Thuận Nam, Trạm Y tế thị trấn Thuận Nam tiến hành điều tra, giám sát ca dại, gia đình nạn nhân và người thân trong gia đình; đồng thời tư vấn và vận động 2 trường hợp bị chó cắn cùng thời điểm với nạn nhân đi tiêm vaccine phòng bệnh; tư vấn điều trị dự phòng bệnh dại đối với những người tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của nạn nhân.
Trước đó, ngày 15/2, Bình Thuận cũng xảy ra một ca tử vong vì bệnh dại ở huyện Hàm Tân.
Bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trong cả nước. Từ ngày 1/1 - 20/2, cả nước đã xảy ra 17 ổ bệnh dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố; 18 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023); số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại đã lên tới gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).
Một số nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh dại gia tăng là do địa phương chưa quản lý được đàn chó, mèo; công tác tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo chưa đạt hiệu quả; người dân còn chủ quan trong công tác phòng, chống bệnh dại…
Để chủ động phòng, chống bệnh dại, ngành Y tế tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh dại phải được xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn, đến ngay điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng, tuyệt đối không điều trị bằng thuốc Nam.
Ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, cách xử lý vết thương khi bị động vật cào, cắn và các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Những người có nguy cơ cao nên thực hiện tiêm phòng phơi nhiễm, những người bị phơi nhiễm thực hiện điều trị dự phòng bằng vaccine, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi đến một số sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị Số 1296/CT-BNN-TY ngày 26/2/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm kịp thời kiểm soát các ổ dịch bệnh dại trên động vật đang xảy ra, phòng ngừa các ổ dịch mới phát sinh và lây lan, giảm thiểu các ca tử vong và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại.