- Từ ngày 21 - 24/02/2024, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức Hội thảo quốc tế CMEE-2024 lần thứ 3 “Carbon và vật liệu thân thiện với năng lượng và môi trường” với sự đồng hành, phối hợp của ĐH Quốc gia ChungBuk, ĐH Seoul, Hiệp hội Công nghệ sạch Hàn Quốc và Viện Kỹ thuật Hóa học Hàn Quốc.
Đây là Hội thảo khoa học quốc tế nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển ĐHĐN (04/4/1994-04/4/2024) mà Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN luôn thể hiện rõ vai trò là thành viên tích cực, nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật và giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh sự nghiệp Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa đất nước, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.
Theo PGS. TS. Nguyễn Lê Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, với mục tiêu của Chính phủ cam kết “Net-zero” với quốc tế đưa phát thải carbon của Việt Nam về bằng 0 vào năm 2050; ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu (Quyết định số 896/QĐ-TTg), các trường ĐH, viện nghiên cứu, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN đã tích cực, triển khai nhiều dự án nghiên cứu vật liệu mới, năng lượng mới, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải carbon.
Với 17 chương trình đào tạo ĐH như công nghệ vật liệu, kỹ thuật hóa học và môi trường, bình quân hàng năm Nhà trường có hơn 40 công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín (WoS/Scopus) liên quan đến các chủ đề, nội dung của Hội thảo CMEE 2024.
Tại Phiên toàn thể, Hội thảo đã được nghe, thảo luận 02 báo cáo khoa học của các diễn giả keynote speakers: "Cơ chế kiểm soát tế bào gốc thực vật và tác động đến năng suất cây trồng” của GS. Tejraj M. Aminabhavi (ĐH Công nghệ KLE, Ấn Độ) và “Giám sát sức khỏe hành tinh ở Bắc Cực” của GS. Christian Sonne (ĐH Aarhus, Đan Mạch).
Xuyên suốt Hội thảo là các báo cáo khoa học, thảo luận và trao đổi của các đại biểu tại các Tiểu ban với các chủ đề chuyên sâu, có ý nghĩa khoa học, thực tiễn: “Cải thiện chất mang sinh học để kiểm soát cặn bẩn và tốc độ sản xuất khí mê-tan từ nước thải sinh hoạt bằng lò phản ứng sinh học màng tầng sôi kỵ khí” (GS. Jeonghwan Kim); “Các vấn đề toàn cầu do côn trùng gây ra” (GS. Eilhann E. Kwon); “Hấp phụ Se (VI) và Se (IV) bằng Fe-compozit từ bùn nhà máy giấy” (GS. Hocheol Song); “Nguyên tắc thiết kế cho hóa học bền vững: Phương pháp tiếp cận lý thuyết và học máy” (GS. Seonal Kim); “Xúc tác cho quá trình xử lý chất thải hữu cơ của nhiên liệu” (GS. Young-Kwon Park); “Nền tảng nhiệt hóa để sử dụng hiệu quả các polyme tự nhiên và tổng hợp: Cơ hội và thách thức” (GS. Thallada Bhaskar); “Xử lý sinh khối chất thải bằng vi sóng để quản lý chất thải tuần hoàn” (GS. Su Shiung Lam); “Sản xuất và ứng dụng than sinh học ở nhiệt độ thấp: Từ carbon trung tính đến carbon âm” (GS. Wei-Hsin Chen); “Quá trình hydrodeoxy hóa các hợp chất mô hình phenolic thông qua các chất xúc tác dựa trên Ru” (GS. Do Heui Kim)…