- Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ phân cấp cho Thành phố tổ chức thực hiện thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 sao và hạng 05 sao (trước đây thuộc thẩm quyền của Tổng cục Du lịch - nay là Cục Du lịch) theo khoản 3 Điều 29 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP.
Ảnh minh họa |
Dự thảo Nghị định của Chính phủ phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến các Bộ ngành.
Tại Dự thảo, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ phân cấp cho Thành phố tổ chức thực hiện thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 sao và hạng 05 sao (trước đây thuộc thẩm quyền của Tổng cục Du lịch - nay là Cục Du lịch) theo khoản 3 Điều 29 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP.
Góp ý cho quy định này, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, nội dung đề xuất phân cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện thâm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao và 5 sao là chưa phù hợp, đề nghị Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trong việc thẩm định, công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao trên địa bàn Thành phố bảo đảm đúng thâm quyền theo quy định của pháp luật
Trong khi đó, Bộ Tư pháp cho rằng, Khoản 3 Điều 50 Luật Du lịch giao thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 sao và hạng 05 sao cho Tổng cục Du lịch và không giao thẩm quyền Chính phủ. Vì vậy, việc quy định này nội dung này tại dự thảo Nghị định là chưa phù hợp với Luật Du lịch.
Giải trình về đề xuất này, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc phân cấp cho Thành phố thực hiện sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công tác phí của cơ quan có thẩm quyền của trung ương khi tổ chức thực hiện Đoàn thẩm định tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ qua mạng hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả của Sở Du lịch; khi đó, đối với các trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, doanh nghiệp sẽ được bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả của Sở Du lịch hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục và thành phần hồ sơ theo quy định. Qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp về thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm tối đa thời gian đi lại nhiều lần do bổ sung hồ sơ (nếu có) và giảm chi phí vận chuyển đi lại và công tác phí phục vụ thẩm định của cơ quan có thẩm quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, thời gian giải quyết thủ tục hành chính (tính từ thời điểm tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, tổ chức thẩm định và công nhận kết quả) có thể giảm từ 30 ngày làm việc còn 15 ngày làm việc (tương ứng giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định). Điều này đã trực tiếp cắt giảm thời gian giải quyết, góp phần tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, doanh nghiệp khi giao dịch hành chính.
Tiếp tục giải trình, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn căn cứ Nghị quyết 98/2023/QH15, tại Điều 11 quy định Chính phủ có trách nhiệm “Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Thành phố cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố” và Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thẩm quyền nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển Thành phố. Mở rộng việc phân cấp, ủy quyền cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố so với các quy định hiện hành.”
Như vậy, ngoài vấn đề về phân cấp, Thành phố nhận thấy cần thiết đưa vào dự thảo Nghị định của Chính phủ các chính sách đặc thù nhằm cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố và điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển Thành phố.
Do đó, Thành phố nhận thấy nội dung này giúp phân quyền cho Thành phố phù hợp Nghị quyết 98/20236/QH15 nêu trên.