- Ngoài Đường sách TP. Thủ Đức đã ra mắt vào tháng 12/2023, TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ có thêm các đường sách, không gian sách ở Quận 7, Bình Tân và Củ Chi.
Đây là một trong những hạng mục của công trình "Xây dựng các đường sách, không gian sách và phát triển văn hóa đọc" chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức khảo sát, góp ý lựa chọn địa điểm phù hợp, lấy ý kiến của các chuyên gia về đề án đường sách, không gian sách phù hợp với tình hình của từng địa phương.
Thành phố cũng đề nghị Hội xuất bản Việt Nam phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đầu tư, phát triển Đường sách thành phố (Nguyễn Văn Bình, Q1) trở thành địa chỉ đặc trưng, tiêu biểu cho hoạt động văn hóa, du lịch và xuất bản.
Đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1 những ngày đầu năm mới (Ảnh: Đường sách) |
Với mong muốn đẩy mạnh văn hóa đọc cho người dân, từng bước hoàn thiện bộ tiêu chí đề nghị UNESCO công nhận là Thủ đô sách thế giới, TP.Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều biện pháp thực hiện. Sở Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch khảo sát tỷ lệ đọc sách năm 2023 của người dân và học sinh trên địa bàn thành phố từ đó đề ra những giải pháp để nâng cao tỷ lệ đọc sách hàng năm góp phần thúc đẩy, phát triển văn hóa đọc. Triển khai chương trình "Trang bị 5 triệu cuốn sách cho cơ sở" trên địa bàn thành phố trong khoảng thời gian từ tháng 2/2024 đến tháng 3/2025.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu phải phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Các trường học phải sắp xếp thời gian 1 tiết/1 tuần cho học sinh đọc sách, tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách, tuyên dương các trường có những giải pháp, mô hình hay.