- Sau khi khai thác bệnh sử và tiền sử ăn uống, các bác sỹ ghi nhận cả hai trẻ đều cùng ăn tiệc tất niên tại nhà của một gia đình ở phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thông tin mới nhất từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi ghi nhận hai trường hợp nghi ngộ độc Botulinum tại Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sỹ nhận định cả hai trẻ đều cùng dự tiệc tất niên tại một gia đình trước đó.
Bệnh nhi thứ nhất, 6 tuổi, địa chỉ nhà ở phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Bệnh nhi thứ nhất, 6 tuổi, địa chỉ nhà ở phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, ngày 03/2 trên đường về quê cùng gia đình thì nôn ói nhiều phải nhập bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định ngày 04/02/2024 sau 02 ngày nằm viện, bé vẫn nôn ói nhiều kèm co giật và được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2 vào lúc 18g00 ngày 06/02/2024 với chẩn đoán theo dõi viêm não cấp.
Bệnh nhi thứ hai, 7 tuổi, địa chỉ nhà cũng ở phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, nhập viện bệnh viện Hạnh phúc vào ngày 05/02/2024 sau 02 ngày nôn ói nhiều và cử động hàm khó, bé được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2 lúc 00g00 ngày 07/02/2024 với chẩn đoán theo dõi xuất huyết não.
Tại bệnh viện Nhi đồng 2, sau khi khai thác bệnh sử và tiền sử ăn uống ghi nhận cả hai trẻ đều cùng ăn tiệc tất niên tại nhà của một gia đình trước đó, địa chỉ ở phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Qua thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan sọ não, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn và không loại trừ trẻ bị ngộ độc Botulinum toxin, các bác sĩ thống nhất sử dụng giải độc tố Botulinum.
Hiện tại, tình trạng hai bệnh nhi đã cải thiện, một trẻ đã cai máy thở và theo dõi tại khoa Nội tổng hợp, một trẻ tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại khoa Hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt. Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu phân của bệnh nhân và gửi đến Viện Y tế công cộng TP.HCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định.
Sở Y tế ghi nhận những nỗ lực chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời cho 02 bệnh nhi nghi ngộ độc Botulinum toxin. Cho đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế chưa ghi nhận thêm trường hợp nào được báo cáo có triệu chứng tương tự.
Sở Y tế yêu cầu Lãnh đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghiêm túc triển khai tới tất cả nhân viên y tế, đặc biệt các kíp trực thực hiện nghiêm Công văn số 8457/SYT-NVY ngày 06/10/2023 của Giám đốc Sở Y tế về yêu cầu phát hiện kịp thời, xử trí, báo cáo và phối hợp điều tra nguyên nhân ngộ độc thực phẩm.
Tiến sỹ, bác sỹ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, độc tố Botulinum do một loại vi khuẩn Clostridium Botulinum, sống trong môi trường yếm khí (không có không khí, nồng độ oxy rất thấp) gây ra. Trong môi trường bình thường, vi khuẩn không sống được nhưng sẽ tạo ra các bào tử.
Khi được đặt trong môi trường không có không khí, bào tử sẽ tái hoạt trở lại và sinh ra chất độc Botulinum. Do đó, tất cả thức ăn chế biến, đóng hộp, đóng gói vào bao kín không có oxy thì vi khuẩn Botulinum có khả năng phát triển.
Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc Botulinum có thể bao gồm: Khó nuốt, yếu cơ, nhìn đôi, sụp mí mắt, mờ mắt, nói lắp, khó thở, khó cử động mắt, nôn mửa, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy...
Để phòng ngừa ngộ độc Botulinum, người dân cần chế biến thực phẩm đúng cách, khi tiến hành bao gói, đóng hộp thực phẩm cần rửa sạch, lau chùi, tiệt trùng, vệ sinh sạch sẽ. Người dân không nên tiến hành đóng, gói kín thực phẩm nếu không có kỹ thuật tốt, có thể sử dụng độ chua hay độ mặn trên 5% (5% gam muối/100gr thức ăn) để vi khuẩn không phát triển.
Khi sử dụng thức ăn phải xem hạn sử dụng, không nên ăn thực phẩm quá hạn sử dụng. Không sử dụng sản phẩm có dấu hiệu bất thường như hộp bị méo, phồng, bị mốc hay có mùi lạ. Nấu chín thực phẩm đủ lâu và ở nhiệt độ đủ cao cũng sẽ tiêu diệt được Botulinum.