- Tòa án nhân dân Quận 6, TP.HCM đã tuyên phạt đối tượng Vưu Ngọc Thái (SN 1992, trú tại Tp. Hồ Chí Minh) 24 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.”
Ngày 28/2/2024, Tòa án nhân dân Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt đối tượng Vưu Ngọc Thái (SN 1992, trú tại Tp. Hồ Chí Minh) 24 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.” theo quy định tại Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017). Thái cũng bị phạt bổ sung 50 triệu đồng.
Phiên tòa xử phạt đối tượng Thái tại TAND Quận 6 TP.HCM (28.2.2024) (Nguồn: Trung tâm Văn hóa - Thể thao Quận 6) |
Trước đó, vào tháng 6/2023, Công an Quận 6 TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện và bắt giữ Thái khi đối tượng này đang có hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép 03 cá thể rùa đầu to.
Theo Cơ sở dữ liệu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), từ năm 2015 đến nay, Thái đã thường xuyên, liên tục sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội để quảng cáo, buôn bán ĐVHD có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Vào tháng 9/2022, Công an huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt đối tượng Thái 1.250.000 đồng cho hành vi quảng cáo kinh doanh trái phép sản phẩm từ ĐVHD. Bất chấp việc đã bị xử phạt cho hành vi quảng cáo, buôn bán trái phép, đối tượng Thái không những không có dấu hiệu “hối cải” mà còn tiếp tục tạo thêm nhiều tài khoản mạng xã hội để quảng cáo bán trái phép nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trong đó có những loài rùa được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở cấp độ cao nhất như rùa đầu to, các loài rùa hộp trán vàng miền Bắc và miền Nam.
Theo quy định hiện hành của pháp luật, hành vi quảng cáo bán ĐVHD trái phép trên Internet có thể bị xử phạt hành chính lên tới 100 triệu đồng. Các hoạt động buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt, tàng trữ trái phép ĐVHD có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 400 triệu đồng đối với cá nhân hoặc phạt tù lên tới 15 năm đối với cá nhân.
Các bài đăng quảng cáo rùa trên mạng xã hội của đối tượng Thái (Nguồn: ENV) |
Theo ENV, hiện nay, hoạt động buôn bán ĐVHD trên Internet ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Sự thuận tiện và lợi nhuận cao từ hoạt động buôn bán ĐVHD qua không gian mạng đã thúc đẩy nhiều đối tượng thực hiện hoạt động này để thu lợi bất chính. Trong năm 2023, Cơ sở dữ liệu của ENV ghi nhận 1.832 vụ việc vi phạm về ĐVHD trên Internet, bao gồm 8.358 vụ việc quảng cáo, buôn bán nhỏ lẻ và 118 trường hợp buôn bán có tính chất chuyên nghiệp.
Ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý, bảo vệ ĐVHD trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc “kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép mẫu vật động vật hoang dã trên các trang thông tin điện tử”.
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ENV đã nhận thấy nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác xử lý các vi phạm về ĐVHD trên Internet. Theo quan điểm của ENV, chỉ khi các đối tượng quảng cáo, buôn bán ĐVHD trên Internet, đặc biệt là những đối tượng hoạt động mang tính chất lâu dài, chuyên nghiệp như đối tượng Thái bị xử lý nghiêm thì mới khiến các đối tượng đã và đang phạm tội có thể nhận thấy những hậu quả pháp lý nghiêm trọng từ loại tội phạm này và từ đó không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội” - Đại diện tổ chức Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) nhấn mạnh.