Ngoài chế độ hỗ trợ chi phí chữa trị của bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi mắc các bệnh hiểm nghèo còn được hưởng chế độ ốm đau để bù đắp thu nhập bị mất.
Thông thường, người lao động mắc bệnh sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế và chế độ ốm đau là thu nhập bù đắp cho những ngày nghỉ việc để chữa bệnh.
Tuy nhiên, có những trường hợp người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị kéo dài nhiều ngày thì có nhiều chế độ hỗ trợ ưu việt hơn từ bảo hiểm xã hội (BHXH) mà nhiều người không biết.
Anh Hùng, quản lý nhân sự một đơn vị hỏi: "Khi người lao động bị u não, một loại bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng những chế độ BHXH nào?".
Theo BHXH Việt Nam, khoản 2 và khoản 3 Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau.
Người lao động mắc bệnh hiểm nghèo được BHXH chi trả nhiều khoản trợ cấp (Ảnh minh họa: Tùng Nguyên). |
Cụ thể, thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, tối đa là 180 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần).
Theo khoản 1 Điều 28 Luật BHXH, mức hưởng chế độ ốm đau tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi người lao động nghỉ việc để chữa bệnh.
Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng BHXH, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng đó.
Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau chưa đủ tháng thì tính theo ngày, mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.
Nếu hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau 180 ngày như trên mà người lao động vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.
Mức hưởng chế độ ốm đau của người lao động trong giai đoạn này bằng 65% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.
Mức hưởng bằng 55% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.
Nếu người lao động đã đóng BHXH dưới 15 năm, mức hưởng chế độ ốm đau bằng 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Tổng thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa của người lao động bằng thời gian đã đóng BHXH.
Ngoài chế độ ốm đau như trên, trong thời gian nghỉ việc để chữa bệnh, người lao động còn được hưởng BHYT miễn phí do quỹ BHXH đóng.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 29 Luật BHXH, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm.
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
(dantri)
https://dantri.com.vn/an-sinh/nguoi-lao-dong-mac-benh-hiem-ngheo-duoc-huong-nhieu-che-do-bhxh-20240217184232353.htm