- Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành cần quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá; tránh việc phát động phong trào hình thức, để xảy ra sai sót; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong công tác thi đua, khen thưởng…
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 59/TB-VPCP ngày 20/2/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương tại phiên họp của Hội đồng.
Thông báo nêu rõ: Thay mặt Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng đã biểu dương và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và đóng góp tích cực của các đồng chí thành viên Hội đồng; các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể đã hưởng ứng, phát động, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua; đánh giá cao những kết quả mà phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng đã đạt được thời gian qua, đóng góp quan trọng vào triển khai thành công các nhiệm vụ chính trị của đất nước trong năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng còn một số hạn chế. Công tác xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 còn chậm (hiện mới ban hành 4/10 nghị định...). Công tác đánh giá, tổng kết các phong trào thi đua, công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến ở một số nơi chưa được chú trọng, còn hạn chế, thực hiện chưa đồng bộ; các hoạt động cụm, khối thi đua chưa đồng đều và chưa được duy trì thường xuyên.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả chủ quan và khách quan, trong đó chủ quan là chủ yếu, trong đó nhận thức và hành động của một số cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, động lực của phong trào thi đua và công tác khen thưởng chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là trong thực hiện lời dạy của Bác "Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua"...
5 bài học kinh nghiệm
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng năm vừa qua, rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là: các bộ, ban, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Càng khó khăn thì càng phải thi đua" để huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Hai là: cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức các phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đặc biệt lưu ý, thi đua, khen thưởng hướng tới Nhân dân và vì lợi ích của Nhân dân, để huy động sức mạnh từ Nhân dân theo tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Ba là: quan tâm tới bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng; kiện toàn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng.
Bốn là: khen thưởng phải đúng, trúng, kịp thời, đúng đối tượng; khen thưởng phải gắn với lợi ích chung, đồng thời phải hài hòa với lợi ích riêng để tạo sức sống, nuôi dưỡng các phong trào thi đua.
Năm là: quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá; đôn đốc thực hiện các phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng, tránh việc phát động phong trào hình thức, để xảy ra sai sót; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong công tác thi đua, khen thưởng.
Phát động Phong trào Xóa nhà tạm, nhà dột nát
Thông báo nêu rõ: Thủ tướng yêu cầu thời gian tới công tác thi đua, khen thưởng cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Bám sát chủ đề điều hành "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" của Chính phủ, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các nhiệm vụ thi đua, khen thưởng gắn với nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể, cá nhân; khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
2. Tiếp tục phát động, triển khai tích cực các phong trào thi đua, trong đó:
(1) Nghiên cứu Phát động Phong trào thi đua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; (2) Làm sống động, làm mới các phong trào thi đua "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2021 - 2025", phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030".
Bên cạnh những Phong trào thi đua đang thực hiện nêu trên, sẽ tổ chức phát động Phong trào "Xóa nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025" chia làm 02 giai đoạn, với cách tiếp cận toàn diện, toàn dân, bao trùm. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện trong tháng 02 năm 2024.
Giao Bộ Tài chính tổng kết việc sử dụng Quỹ Vaccine phòng COVID-19; trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền để sử dụng số kinh phí còn lại cho Phong trào "Xóa nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025".
3. Thực hiện có hiệu quả Đề án "Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến" giai đoạn 2022-2025; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, gương "Người tốt, việc tốt". Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với các cơ quan thông tin, truyền thông trong phát hiện, tuyên truyền các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc; nghiên cứu, xem xét tổ chức Hội nghị về công tác tuyên truyền.
4. Quan tâm khen thưởng các đối tượng ưu tiên, có tính lan tỏa cao như người lao động, nhà khoa học, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đội ngũ giáo viên, y bác sĩ; tập thể và cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng phụ nữ tiêu biểu, người yếu thế có ý chí tự lực, tự cường vươn lên; các doanh nghiệp, doanh nhân sản xuất, kinh doanh giỏi, làm tốt công tác giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người lao động, người dân, tham gia tích cực vào hoạt động từ thiện; các tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
5. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thi đua khen thưởng; triển khai tích cực, hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng và các quy định liên quan:
- Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Trên cơ sở đó đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc ban hành chủ trương mới để tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong tình hình hiện nay.
- Các Bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.
6. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các ngành; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong tham mưu và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.
- Kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các cấp, các ngành bảo đảm tính đại diện, thực chất; ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.
- Ban hành kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng bảo đảm hợp lý, thiết thực, khả thi.
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực; bảo đảm thực chất, hiệu quả, hướng về cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tránh phô trương, hình thức, tiêu cực, lợi dụng cho mục đích cá nhân, lợi ích nhóm.
7. Thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thi đua, khen thưởng. Tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; cần chú ý nhiều hơn đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các ngành công nghiệp mới nổi.