Trong những năm gần đây, tình hình bệnh dại tại Việt Nam có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương và số người tử vong do bệnh dại năm sau cao hơn năm trước.
Ở Việt Nam, bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong trên người cao nhất trong 5 năm qua. Trong những năm gần đây, tình hình bệnh có xu hướng gia tăng và số người tử vong do bệnh dại năm sau cao hơn năm trước.
Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này đòi hỏi việc tăng cường vai trò của các bên liên quan trong thực hiện các giải pháp tổng thể phòng chống bệnh dại.
Số ca tử vong do bệnh dại vẫn cao
Theo Bộ Y tế, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022.
Bệnh dại có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương, kể cả ở những tỉnh không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại.
Các địa phương ghi nhận số tử vong cao là Gia Lai (14), Nghệ An (7), Bình Phước (7), Điện Biên (6), Bến Tre (5).
Đáng chú ý, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), gần 500.000 người phải tiêm vaccine phòng dại với giá mỗi liều là 1,2-1,7 triệu đồng, ước tính người dân phải bỏ ra khoảng 600 tỷ đồng. Ngoài ra, nước ta cũng phải tiêm phòng bệnh dại cho 8 triệu con chó, mèo, mỗi mũi khoảng 50.000 đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều ca tử vong do bệnh dại cũng được ghi nhận tại nhiều địa phương.
Chó thả rông bị bắt nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng. (Ảnh TTXVN) |
Đơn cư đầu tháng 2, tại tỉnh Bình Thuận, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết trên địa bàn ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại. Trường hợp tử vong là bé gái T.T.H.T (4 tuổi, ngụ thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
Qua điều tra dịch tễ, ngày 7/2, bé gái này bị con chó nhỏ của nhà hàng xóm cắn nhiều nhát sâu vào vùng mặt, trán, quanh mắt, gò má. Người nhà đã đưa bé đi điều trị bằng phương pháp của dân tộc mà không xử lý vết thương bằng xà phòng, không đi tiêm phòng vaccine dại, huyết thanh kháng dại. Đến ngày 13/2, bé gái có dấu hiệu lừ đừ, nôn ói. Ngày 14/2, bé được người nhà đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực La Gi; sau đó được chuyển vào bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hồ Chí Minh nhưng không qua khỏi.
Đầu tháng 2/2024, một con chó lạ chạy vào nhà ông N.V.Đ (sinh năm 1964, trú tại thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Trong quá trình đánh đuổi con chó, ông Đ bị chó cắn vào bàn tay trái, vết thương trầy xước, chảy máu nhưng ông chủ quan không đi tiêm vaccine phòng dại. Sau đó, ông Đ bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, có triệu chứng sợ nước, sợ gió nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Đến ngày 8/2, ông N.V.Đ tử vong.
Tử vong 100% nếu bị bệnh dại
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000-70.000 người và hàng triệu loài động vật.
Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến mạng.
Nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.
Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Mỗi ngày, virus dại di chuyển được “đoạn đường” từ 12-24mm. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.
Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Vẫn còn tâm lý chủ quan
Theo Bộ Y tế, bệnh dại xuất hiện từ lâu và có vaccine hiệu quả nhưng bệnh dại vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam, ngoại trừ tử vong do bệnh sởi năm 2014 và tử vong do COVID-19 thời gian qua.
Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, có đến 90% trường hợp tử vong do không đi tiêm phòng bệnh dại.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Binh tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại cho người dân. (Ảnh: TTXVN) |
Nguyên nhân chủ yếu là chủ quan vì chó nhà nuôi cắn hoặc tại thời điểm cắn chó bình thường. Bên cạnh đó vẫn rải rác nhiều trường hợp dùng thuốc nam để chữa chó dại cắn. Đáng lưu ý, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tiêm thấp nhất và tỷ lệ tử vong chiếm cao nhất.
Chính vì vậy, để giảm trường hợp tử vong vì bệnh dại, trong thời gian tới, các địa phương cần tiêm phòng vaccine dại cho chó mèo định kỳ hàng năm, quản lý đàn chó mèo nuôi. Bên cạnh đó, cần điều trị dự phòng bệnh dại trên người kết hợp thông tin tuyên truyền và xử lý các trường hợp không chấp hành.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng dại sau khi bị chó dại cắn cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tiêm trong vòng 6 giờ được xem là tiêm phòng sớm còn tiêm sau 6 giờ được gọi là tiêm phòng muộn. Đây cũng là khoảng thời gian tối thiểu để tiêm phòng dại.
Hướng tới không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, Chính phủ Việt Nam đã triển khai Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021; phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030.
Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 đặt mục tiêu cụ thể đối với phòng, chống bệnh dại ở động vật: quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025, trên 90% trong giai đoạn 2026-2030; tiêm vaccine dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025 và 80% trong giai đoạn 2026-2030…
Đối với phòng, chống bệnh dại ở người: đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong vì bệnh dại so với giai đoạn 2017-2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030
Tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan liên quan, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại.
Thủ tướng nêu rõ người đứng đầu Ủy ban Nhân dân các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh xây dựng, phê duyệt và bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại của địa phương, ưu tiên mua vaccine, tổ chức tiêm vaccine dại cho đàn chó, mèo đồng loạt vào cùng một thời điểm.
Các địa phương hỗ trợ mua vaccine, tổ chức tiêm vaccine dại cho đàn chó, mèo tại các ổ dịch, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Hiện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) cam kết tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam và cùng nhau nỗ lực để chấm dứt tình trạng người tử vong do bệnh dại tại Việt Nam, hướng tới được mục tiêu "Không còn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030."
Các tổ chức quốc tế khuyến khích chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương của Việt Nam ưu tiên và tăng cường nguồn lực cho việc quản lý đàn chó, tiêm phòng cho chó và cung cấp các biện pháp dự phòng sau phơi nhiễm cho những người bị chó cắn./.
Theo TTXVN
https://www.vietnamplus.vn/giai-phap-nao-cho-muc-tieu-khong-co-nguoi-tu-vong-vi-benh-dai-nam-2030-post929057.vnp