- Từ năm 2024, nếu áp dụng đồng thời biện pháp cai thuốc và giảm tác hại thuốc lá, Việt Nam có thể giảm gánh nặng bệnh tật của cộng đồng và gánh nặng kinh tế do thuốc lá gây ra.
Điều đó cho thấy, việc cai thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn với tỷ lệ thành công rất thấp. Theo Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K, tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam chỉ giảm được thêm khoảng 1% trong 5 năm qua.
Thuốc lá gây ra gánh nặng kinh tế lớn cho toàn cầu, với chi phí điều trị các bệnh liên quan lên đến 1.400 tỷ đô la mỗi năm. Tại Việt Nam, chi phí này chiếm khoảng 1% GDP quốc gia (khoảng 1,17 tỷ đô la). Do đó, tại tọa đàm trực tuyến “Cai thuốc và giảm tác hại: Hai giải pháp bổ trợ để kiểm soát thuốc lá”, PGS.TS Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp, Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần triển khai các biện pháp giúp giảm tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu truyền thống.
Theo PGS.TS Trần Khánh Toàn, thuốc lá nung nóng (thuốc lá làm nóng) khi làm nóng chỉ có mức nhiệt là 300-350 độ. Trong khi đó, nhiệt độ đốt cháy của thuốc lá truyền thống khoảng 900-1.000 độ. Do đó, hàm lượng chất độc hại sinh ra từ thuốc lá làm nóng sẽ giảm đi đáng kể so với thuốc lá điếu truyền thống.
Từ dẫn chứng nêu trên, PGS.TS Trần Khánh Toàn phân tích một mô hình giả định, nếu từ năm 2024, mỗi năm có 10% những người đang hút thuốc lá điếu chuyển sang dùng thuốc lá làm nóng, với mức giảm 70% nguy cơ mắc bệnh so với thuốc lá điếu thông thường thì Việt Nam có thể giảm 1,5 nghìn tỷ đồng chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá, ngăn chặn 4.700 trường hợp tử vong hằng năm. Đồng thời, đưa tỷ lệ hút thuốc lá điếu xuống dưới 30% vào năm 2030 (đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi xuống dưới 36% theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030).
Đồng tình với phân tích nêu trên, Thạc sĩ - bác sĩ Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội tổng quát, Bệnh viện FV, chia sẻ thêm, mô hình chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm thuốc lá mới giảm tác hại đã chứng thực hiệu quả tại nhiều quốc gia.
Cụ thể, Nhật Bản là quốc gia tiêu biểu có tỷ lệ nhập viện của bệnh nhồi máu cơ tim và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) giảm đi đáng kể, khi áp dụng biện pháp giảm tác hại thuốc lá bằng thuốc lá làm nóng.
Tại Hàn Quốc, một nghiên cứu trên 5 triệu người cũng chỉ ra, nguy cơ các bệnh liên quan đến khói thuốc (như đột quỵ, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim…) đã giảm đi một nửa ở nhóm người chuyển từ thuốc lá điếu sang thuốc lá làm nóng.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá mới đang lưu hành đều là hàng lậu từ chợ đen, không bảo đảm nguồn gốc, chất lượng. Việc thiếu khung pháp lý quản lý đã khiến thuốc lá mới bị kẻ gian lợi dụng và sử dụng sai mục đích, gây ra những vấn nạn khó lường cho xã hội. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần phải xem thuốc lá mới như một loại hàng hóa và quản lý chặt chẽ như mọi loại thuốc lá khác.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, các biện pháp giảm tác hại bằng thuốc lá làm nóng chỉ nên được áp dụng cho những người đã cố gắng cai thuốc nhưng thất bại, đặc biệt là các bệnh nhân COPD được bác sĩ chỉ định cai thuốc nhưng không hợp tác.