- Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, do kịp thời khoanh vùng và xử lý nên đến nay hai ổ dịch thủy đậu tại huyện Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột đã được khống chế, không có trường hợp biến chứng nặng và không có trường hợp mắc mới.
Trong gần hai tháng đầu năm, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 60 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, rải rác tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Ea Kar (28 trường hợp) và TP. Buôn Ma Thuột (22 trường hợp).
Trước tình trạng này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã chủ động giám sát, nắm bắt tình hình, diễn biến của bệnh và chỉ đạo, hướng dẫn xử lý các ổ dịch để khống chế không để bùng phát. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh cơ bản bệnh thủy đậu đã được kiểm soát, hạn chế phát sinh ca nhiễm mới.
Tại TP. Buôn Ma Thuột, ngay sau khi phát hiện số ca bệnh thủy đậu tại xã Cư Ê bua, Trung tâm y tế thành phố đã đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bệnh thủy đậu, nhằm kiểm soát, không để bệnh lây lan rộng.
Bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết, các bệnh nhi phát bệnh với triệu chứng sốt nhẹ, xuất hiện các mụn nước trên mặt và ngực, sau đó lan sang vùng bụng và tay chân.
Ngành y tế tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn cách phòng tránh thủy đậu tại cơ sở trường học. (Ảnh: SYT) |
"Chúng tôi đã huy động lực lượng y tế tiến hành khoanh vùng xử lý ổ dịch tại xã Cư Ê bua theo đúng quy định; tiến hành tổng vệ sinh trường lớp, lau dọn bàn ghế, đồ chơi, đồ dùng học tập trong các trường học. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị các ca đã mắc bệnh, nhất là triển khai các biện pháp ngăn ngừa không để ổ dịch lây lan ra trong trường học và cộng đồng. Nhờ vậy, đến nay TP. Buôn Ma Thuột cơ bản đã kiểm soát được bệnh thủy đậu và trong nhiều ngày qua không có ca mắc mới", bác sĩ Hùng nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ, phỏng rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc nhất.
Bệnh thủy đậu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Dấu hiệu thường gặp của bệnh là: sốt, mệt mỏi, đau đầu, các nốt đỏ xuất hiện rải rác trên da, gây ngứa, tiến triển nhanh thành bọng nước. Nếu bị nhiễm trùng, bọng nước sẽ to, có mủ, lâu khỏi và có thể tạo thành sẹo. Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, thủy đậu là bệnh cấp tính do vi rút Varicella Zoter gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, trẻ em mắc nhiều hơn người lớn.
Thời gian ủ bệnh từ 10 - 14 ngày, người mắc bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên.
Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày và bệnh nhân sẽ tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, vệ sinh đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như: Nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não… gây nguy hiểm đến sức khỏe. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ ảnh hưởng tới thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi như đầu nhỏ, bại não, chân tay khoèo, sẹo bẩm sinh...
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk lưu ý, người dân cần thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế sau đây:
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
- Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu, cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh, để tránh lây lan cho những người xung quanh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu.