- Trong thời gian qua, Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Nhà trường, Hội đồng Đại học, Ban Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK Hà Nội) với quyết tâm cao đã hoàn thành tái cấu trúc các đơn vị hành chính, đơn vị dịch vụ và hỗ trợ thuộc/trực thuộc Đại học. Việc tái cấu trúc thể hiện việc đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, tinh gọn và thực tiễn trong bối cảnh của Nhà trường cho nhiệm vụ tái cấu trúc.
Có thể đánh giá sự thay đổi trong tái cấu trúc của ĐHBK Hà Nội như sau: Về tính khoa học, đổi mới của ĐHBK Hà Nội từ Trường lên Đại học - công tác xuyên suốt của mấy năm qua nhằm phục vụ mục tiêu: Tạo môi trường cho các thầy/cô giáo giảng dạy tốt hơn, sinh viên học tập tốt hơn. Có thể thấy những những minh chứng cho thấy tính khoa học trong các hoạt động tái cấu trúc về tổ chức, nhân sự của Bách khoa Hà Nội: Giảng viên, sinh viên có thể phát huy được hết những tiềm năng, năng lực sáng tạo của mình. Cả người dạy và người học được tôn trọng, tạo môi trường đổi mới sáng tạo, cho ra những bài giảng tốt hơn, những công trình khoa học, bài báo quốc tế; Các sinh viên được các thầy/cô giáo giỏi hướng dẫn, có môi trường tốt để học hỏi từ thầy/cô, bạn bè, được làm thí nghiệm, NCKH, đề xuất ra ý tưởng đột phá, sáng tạo... Chính sức trẻ và những ý tưởng đó có thể trở thành những bài báo, ứng dụng, thành các doanh nghiệp start-up tốt cho khoa học và xã hội.
Trong 3 năm qua, liên tục, ĐHBK Hà Nội cố gắng năm sau làm tốt hơn năm trước. Đề án ĐHBK Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt trở thành Đại học là minh chứng cho kết quả phấn đấu trong cả một quá trình, không chỉ năm 2021 hay 2022 mà của nhiều năm trước đó để hướng đến mục tiêu đã đặt ra. Cuối tháng 12/2022, mục tiêu đó đã trở thành hiện thực.
Về tính hiệu quả, trong ĐHBK Hà Nội – một đơn vị thống nhất, tính hiệu quả được xây dựng theo từng bước, cải tiến dần để thời gian sau tốt hơn thời gian trước. ĐHBK Hà Nội đang từng bước cải tiến theo mô hình tăng hiệu quả làm việc của thầy/cô và tăng hiệu quả học tập của các em sinh viên, tăng năng suất của các đơn vị như các bài báo công bố tốt hơn, số giờ dạy tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ của từng lĩnh vực tốt hơn.
Một trong những điểm tồn tại, cần cải thiện là sự phối hợp giữa các đơn vị trong ĐHBK Hà Nội. Việc tái cấu trúc các đơn vị đã dần từng bước tháo gỡ tính không hiệu quả này. Một điểm đặc thù của ĐHBK Hà Nội đó là vai trò và hợp tác của các đơn vị trong quy trình chung. Khi có công việc lớn cần đến sự hợp tác của các bên, hiệu quả hợp tác cần được cải tiến dần dần và cải tiến liên tục.
Về tinh gọn, từ 2019 đến nay, ĐHBK Hà Nội đã cải tiến được đầu mối các đơn vị cấp 2 giảm khoảng 25%. Hiện tại, ĐHBK Hà Nội có 40 đơn vị thuộc và trực thuộc. Trong đó có 13 đơn vị đào tạo, 6 đơn vị nghiên cứu, 12 đơn vị hành chính tập trung và 8 đơn vị dịch vụ và hỗ trợ, 1 công ty BK Holdings. Những con số này cho thấy ĐHBK Hà Nội có sự tương ứng về số các đơn vị đào tạo và nghiên cứu, tương ứng về các ban và đơn vị hỗ trợ và dịch vụ (một số đơn vị là dịch vụ phục vụ cho thầy và trò, một số đơn vị hoạt động ở mức cơ bản ở hệ thống, giúp cho hệ thống hoạt động tốt hơn).
Lãnh đạo ĐHBK Hà Nội chúc mừng 8 nhà giáo được bổ nhiệm Trưởng các đơn vị (12/2023) |
Như vậy các đầu mối của ĐHBK Hà Nội đã giảm được 25%. Tính cân đối giữa các đơn vị đào tạo và nghiên cứu, các phòng ban và đơn vị phục vụ hỗ trợ được cải thiện. Mô hình của ĐHBK Hà Nội trong thời điểm này là mô hình tinh gọn. Trong sự liên tục của quá trình phát triển, những cải tiến sẽ tiếp tục được đánh giá và hoàn thiện trong thời gian tới.
Về một số cải tiến theo bối cảnh thực tiễn, ĐHBK Hà Nội luôn kiên định phương châm, nguyên tắc vàng phát triển: Nhà trường là nền tảng - Người thầy là chủ thể, động lực phát triển - Người học là trung tâm. Trong bối cảnh thực tiễn của mình, ĐHBK Hà Nội đã tái cấu trúc các đơn vị đào tạo là các Trường, các Khoa (trước đây là các Viện đào tạo). Các Trường được tích hợp bởi một số Viện đào tạo, Viện nghiên cứu, dựa trên các điểm chung về mô hình các nhóm chuyên môn, các nhóm nghiên cứu, các phòng nghiên cứu, giám đốc các chương trình đào tạo (hiện ĐHBK Hà Nội có 63 chương trình đào tạo phân bổ về các Trường có các khoa tương ứng).
Các Trường, Khoa phải làm thế nào để đào tạo tốt nhất, có các nghiên cứu chuyên sâu để truyền dạy kỹ năng, kiến thức về các lĩnh vực tương ứng cho sinh viên. Điều đó giúp cho các Trường, các Khoa tối ưu quá trình đào tạo, nhìn lại các chương trình đào tạo để có những cải tiến, hoàn thiện phù hợp.
Viện nghiên cứu theo mô hình của ĐH mang tính chất nghiên cứu, triển khai, thể hiện ảnh hưởng của ĐHBK Hà Nội đến xã hội. Những nghiên cứu trong ĐHBK Hà Nội có thể chuyển giao được ra nên ngoài cho thấy tầm ảnh hưởng, vị trí của Nhà trường đến kinh tế của các vùng như Hà Nội, khu vực Đồng bằng sông Hồng, hay của đất nước.
Việc tái cấu trúc các Viện/Trung tâm nghiên cứu thực sự là một bài học, đặc biệt trong giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ đề xuất rất nhiều chiến lược phát triển, như: Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030... và các lĩnh vực khác. Nhà trường cần bám theo các chiến lược này để xem khả năng đáp ứng, vị trí và đóng góp về mặt khoa học công nghệ cho đất nước nói chung, cho vùng đồng bằng sông Hồng, cho Hà Nội nói riêng của ĐHBK Hà Nội. Đặc biệt, những nghiên cứu của Bách khoa Hà Nội phải đảm bảo đủ năng lực, có tính tiên phong khoa học, mang đẳng cấp quốc tế.
Muốn như vậy, trong bối cảnh thực tiễn, Nhà trường phải tối ưu nguồn lực. Các Viện/Trung tâm nghiên cứu ở cấp ĐHBKHN phải phối hợp mạnh mẽ với các phòng thí nghiệm, các nhóm nghiên cứu mạnh ở các Trường, Khoa để ĐHBK Hà Nội trở thành một thực thể, là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khoa học phù hợp nhất với mô hình hiện tại.
Thế mạnh của ĐHBK Hà Nội là có rất nhiều sinh viên giỏi, các em cần được phát huy hết tiềm năng của mình. Theo đó, việc thành lập một Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp sinh viên nhằm kích thích, vun xới, tạo động lực cho nhiều sinh viên giỏi có khả năng đổi mới sáng tạo, hình thành bí quyết nghiên cứu, sáng kiến về có thể thành lập ra các doanh nghiệp khởi nghiệp, đóng góp cho kinh tế đất nước.
Có thể nói, việc tái cấu trúc về tổ chức và nhân sự của ĐHBK Hà Nội trong giai đoạn vừa qua có tính khoa học, hiệu quả, tinh gọn, phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Nhà trường, kiên định theo phương châm “Nhà trường là nền tảng - Người thầy là chủ thể, động lực phát triển - Người học làm trung tâm”.