- Từ đầu tháng 12/2023 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An tiếp nhận nhiều trường hợp bị rắn cắn phải nhập viện.
Gần đây nhất là trường hợp bà P.T.C. (68 tuổi, trú tại Long An) vào viện trong tình trạng đau nhức, sưng tấy vết cắn ở mu bàn tay phải do bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Bà C. cho biết cách đó khoảng 2 giờ bị rắn cắn trong lúc đang làm vườn.
Sau đó khoảng hơn 2 giờ, tiếp tục một bệnh nhân nam (29 tuổi, trú tại Long An) cũng được gia đình đưa đến cấp cứu do bị rắn cắn, bàn chân phải bị sưng nề, rỉ ít máu ở vết thương.
Sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, cả hai bệnh nhân đều có chỉ định dùng huyết thanh kháng nọc rắn. Hiện tại, sau tiêm huyết thanh và theo dõi tình trạng rối loạn đông máu, rối loạn điện giải, tổn thương gan thận cấp tại Khoa Nội tim mạch, cả hai bệnh nhân đều đã ổn định và đã xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Theo ThS.BS Nguyễn Công Vân – Trưởng Khoa Nội tim mạch, rắn lục đuôi đỏ thuộc nhóm rắn lục, nọc độc rắn lục đuôi đỏ có thể gây tổn thương hoặc hoại tử cơ, suy thận, rối loạn đông máu - tức là làm cho nạn nhân dễ bị chảy máu hơn và khó đông hơn. Do được đưa đến bệnh viện xử trí kịp thời nên cả hai bệnh nhân đều đã hồi phục tốt.
Qua đây, bác sĩ Vân khuyến cáo, khi bị rắn cắn cần phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất, có khả năng hồi sức tích cực, có đầy đủ huyết thanh kháng nọc rắn để truyền, vì huyết thanh kháng nọc nên truyền tốt nhất trong 4 giờ đầu sau khi rắn cắn. Nếu chủ quan chậm trễ, sau khoảng 6 đến 12 giờ, các nơi bị rắn cắn bắt đầu sưng, phù nề, nếu không được cấp cứu kịp thời thì người bệnh sẽ sớm bị rối loạn đông máu, xuất huyết nặng và có thể dẫn đến tử vong.