- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 175/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước.
Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Căn cước, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Căn cước trên phạm vi cả nước; nâng cao nhận thức về Luật Căn cước và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thi hành Luật.
Nội dung của Kế hoạch gồm: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về căn cước; tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo cơ quan, tổ chức và người trực tiếp làm công tác quản lý căn cước; biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước; rà soát văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Căn cước; tổ chức triển khai việc kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Đồng thời, bảo đảm điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói; tích hợp, khai thác thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử; mở rộng việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; tổ chức kiểm tra việc thi hành Luật Căn cước và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Trong đó, các Bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của Luật Căn cước và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có liên quan; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; đề xuất các giải pháp về công nghệ, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hệ thống lưu trữ, xử lý để triển khai thu nhận mống mắt; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, căn cước điện tử và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp…
Ngày 27/11/2023, Quốc hội khoá XV đã chính thức thông qua Luật Căn cước với 87.25% ý kiến tán thành và Luật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo đó, Luật Căn cước có những điểm mới sau: 1. Chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước Song song với việc sửa tên dự án Luật từ Luật Căn cước công dân (CCCD) thành Luật Căn cước, Quốc hội cũng thống nhất đổi tên thẻ CCCD thành thẻ Căn cước. Tại khoản 1 và khoản 9 Điều 3 Luật Căn cước định nghĩa như sau: “1. Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người. 9. Thẻ Căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.” Như vậy, đây là điểm mới của Luật Căn cước từ 01/7/2024 quan trọng nhất của Luật Căn cước so với quy định cũ. Theo đó, căn cước là giấy tờ tùy thân chứa các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người gồm: Ảnh khuôn mặt; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh/Nơi sinh; Quốc tịch; Nơi cư trú; Ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng. |