- Thủ tướng yêu cầu rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung...
Đây là yêu cầu được Thủ tướng đưa ra tại Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chiều ngày 2/2. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhiều rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách được tập trung tháo gỡ
Thông tin tại phiên họp cho biết, trong năm 2023, Thủ tướng đã thành lập 26 Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện và trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; kiện toàn Ban chỉ đạo; tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch, đầu tư nước ngoài, thị trường tài chính, bất động sản… Nhiều rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách đã được tập trung tháo gỡ.
Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh; các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh tại 53 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 quy định; 14 bộ, ngành thực thi phương án phân cấp 86 thủ tục hành chính, nâng tổng số thủ tục hành chính được phân cấp từ năm 2022 đến nay là 153/699 thủ tục hành chính, đạt 21,9%.
Cùng với đó, có 09 bộ, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa 147 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đạt 49.26%. Đến nay, đã có 22/22 bộ, ngành đã xác định và công bố 1.372 thủ tục hành chính nội bộ; 63/63 địa phương công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ.
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính là đến hết năm 2023, tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành đạt 28,59% và tại các địa phương đạt 39,48%; tỉ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 28,6% và tại các địa phương đạt 45,3%. Năm 2023, tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hoặc sớm hạn tại bộ, ngành đạt 30,60%, tại địa phương đạt 90,75%.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được thúc đẩy. Dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 140 đơn vị so với năm 2021; tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63%.
Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn.
Về quản lý và tinh giản biên chế, thực hiện các nghị định của Chính phủ, từ năm 2015 đến ngày 15/12/2023 cả nước tinh giản biên chế 84.140 người. Trong đó ở Trung ương là 5.740 người, địa phương là 78.400 người.
Công tác cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia trong 11 tháng đầu năm 2023 khoảng 6,8 triệu văn bản…
Mặc dù vậy, Ban Chỉ đạo cho rằng, cơ chế, chính sách pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; thủ tục hành chính vẫn còn những vướng mắc ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chưa thông suốt; chất lượng một số dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân, doanh nghiệp chưa cao; việc vận hành Bộ phận Một cửa nhiều nơi còn chưa đúng quy định…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen, tình hình thực tiễn diễn biến khó lường, việc thực hiện tốt cải cách hành chính sẽ đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Nhấn mạnh, đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển; cải cách hành chính phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực; cải cách hành chính để tạo khí thế mới, động lực mới, giá trị mới, thành công mới; Thủ tướng yêu cầu tổ chức cải cách hành chính cả trên 6 lĩnh vực.
Trong đó: Cải cách thể chế phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh. Cải cách thủ tục hành chính, phải tập trung cho đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào của người dân, doanh nghiệp. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước thì tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế nhưng phải cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Cải cách chế độ công vụ, tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng văn hóa công sở, đạo đức, trách nhiệm của người thực thi công vụ.
Trong cải cách tài chính công tập trung tăng thu, giảm chi thường xuyên; cơ cấu lại theo hướng tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên; chống tiêu cực tham nhũng trong thực hiện tài chính công. Trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số phải tập trung xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, công dân số, xã hội số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy các hoạt động trên không gian mạng; tập trung thực hiện Đề án 06.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương nêu cao quyết tâm tháo gỡ khó khăn; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, quán triệt tinh thần hành động quyết liệt đến toàn hệ thống cán bộ, công chức, viên chức. Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao tại các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ.
Các bộ, ngành, địa phương, khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; chủ động ban hành theo thẩm quyền và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng, ưu tiên đề bạt, bổ nhiệm các công chức có năng lực nổi trội, đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến cải cách hành chính.
Đặc biệt, các bộ, ngành phải ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ khung khổ pháp lý thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Rà soát, kiến nghị bãi bỏ, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, chứng chỉ, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, tập trung thực hiện, hoàn thành có chất lượng, đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024 được phê duyệt tại Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 25/01/2024; chủ động nghiên cứu, rà soát, kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn.
Cùng với đó, rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung; tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa có mức độ rủi ro thấp hoặc không có rủi ro.
Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các quy định để hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước hoàn thành trước ngày 31/3/2024; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và các quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm...
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của nhân dân.
Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị. Trong đó, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào Quý III năm 2024.
Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tập trung phát triển hạ tầng số, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.