- Các đại biểu Việt Nam và Pháp đã chia sẻ thông tin về kinh nghiệm quản lý bệnh mạn tính; đề xuất xây dựng chính sách quản lý bệnh mạn tính và quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế cho Việt Nam.
Sáng 22/1, tại Hà Nội, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề: "Hướng tới quản lý tốt hơn các bệnh mạn tính tại Việt Nam".
Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, bệnh mạn tính là một trong những chủ đề được quan tâm trên thế giới, Pháp và Việt Nam cần hợp tác với nhau để tìm ra những giải pháp lâu dài giải quyết vấn đề này.
30 năm qua, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, điều kiện sống của người dân cũng thay đổi, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chăm sóc y tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển, điều kiện sống của người dân nâng lên, những dịch vụ về y tế được cải thiện, lại xuất hiện thách thức mới trong lĩnh vực y tế cần giải quyết.
Ảnh minh họa |
Những bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, bệnh liên quan đến hô hấp ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn, đòi hỏi Pháp-Việt Nam quan tâm hợp tác trong lĩnh vực này nhiều hơn nữa, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống của người dân.
Đại sứ Olivier Brochet cho biết y tế là một trong những trụ cột nổi bật trong hợp tác song phương Pháp-Việt Nam. Hơn 3.000 bác sỹ Việt Nam đã được đào tạo ở Pháp. Nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu đã được hai bên thực hiện, kể cả theo hướng đối tác công-tư.
Hội thảo là minh chứng cho quyết tâm chung của hai bên trong tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực y tế, nhất là trong vấn đề mang tính thời sự là các bệnh mãn tính, trao đổi các kinh nghiệm của mỗi bên, đưa ra các chính sách tốt hơn trong lĩnh vực y tế, bao gồm các lĩnh vực từ phòng ngừa đến chẩn đoán sớm, điều trị phù hợp, theo dõi diễn biến bệnh nhân.
Ông cũng mong muốn hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về dược phẩm, các loại thuốc, vì đây là một trong những mắt xích quan trọng. Hướng tới tinh thần đó, cần thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, tìm ra phương thức điều trị mới, loại thuốc mới, cách thức tiếp cận mới cho việc điều trị.
Tháng 10/2023, Pháp đã đưa ra Chiến lược Y tế toàn cầu giai đoạn 2023-2027. Đại sứ quán sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp Pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác với các đối tác tại Việt Nam.
Cho rằng Hội thảo là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng già hóa dân số nhanh, gánh nặng bệnh tật và chi phí khám chữa bệnh của các bệnh mạn tính ngày càng gia tăng, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biếtChính phủ Việt Nam đã tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, chú trọng phòng bệnh, đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở.
Sau 30 năm triển khai chính sách bảo hiểm y tế, cùng với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan và nỗ lực của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ 47% dân số năm 2008 lên 74,7% năm 2015 và năm 2023 đã đạt 93,35%, tiến dần tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Nguồn quỹ bảo hiểm y tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu cho y tế.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, quá trình triển khai chính sách bảo hiểm y tế tại Việt Nam đã và đang gặp nhiều thách thức. Mức đóng bảo hiểm y tế chưa thay đổi từ năm 2009 đến nay nhưng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế luôn được điều chỉnh theo hướng mở rộng, chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế không ngừng gia tăng. Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, mô hình bệnh tật thay đổi, đặc biệt là sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về kinh nghiệm quản lý bệnh mạn tính của các nước; đề xuất xây dựng chính sách quản lý bệnh mạn tính nói chung và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm Y tế cho ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Chia sẻ về quản lý bệnh mạn tính ở Pháp nhằm hướng tới chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, bác sỹ Eric Baseilhac, Giám đốc quản lý kinh tế, tiếp cận và xuất khẩu Hiệp hội Dược phẩm Pháp cho biết các bệnh mạn tính ảnh hưởng đến 35% bệnh nhân được Bảo hiểm xã hội Pháp chi trả (25 triệu người/68,7 triệu người), trong số đó, bệnh tim mạch chiếm gần 50%.
Sự phát triển phổ biến của các bệnh mạn tính ở các nước phương Tây chủ yếu bị ảnh hưởng bởi lão hóa, cải thiện khả năng phát hiện, tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, hiệu quả điều trị.
Ông bày tỏ quan ngại với xu hướng "phương Tây hóa chế độ ăn uống của người Việt Nam," như ăn nhiều chất béo hơn, ít rau hơn, lượng muối tiêu thụ lên đến 20gr/ngày so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 5gr/ngày.
Cùng với đó là lối sống ít vận động, người Việt đang có số bước đi trung bình hàng ngày thấp nhất thế giới, nhưng ngược lại, có tỷ lệ hút thuốc khá cao, sử dụng rượu, bia nhiều. Ngoài ra là câu chuyện đô thị hóa nhiều, ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, dẫn đến tỷ lệ bệnh không lây nhiễm đang rất lớn, chủ yếu là bệnh mạn tính.
Thông tin về việc quản lý, chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh mạn tính tại Việt Nam, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cũng chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong quản lý bệnh mạn tính. Quỹ Bảo hiểm Y tế trong những năm gần đây không đảm bảo cân đối thu chi, đặc biệt là trong năm 2023. Chi bảo hiểm y tế chưa thực sự hiệu quả, chi từ tiền túi của người bệnh còn cao.
Thời gian qua, dư luận phản ánh hiện tượng bất cập trong việc xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y tế, đặc biệt chi phí xét nghiệm quá sức chịu đựng của những người mắc bệnh suy thận mãn.
Ông Phúc nêu lên một số đề xuất như tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, trạm y tế xã; đổi mới cơ chế quản lý khám, chữa bệnh ban đầu, sửa đổi các quy định về thông tuyến, chuyển tuyến để khuyến khích người dân quản lý bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở.
Xây dựng Luật Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, để việc quản lý sức khỏe tại cộng đồng được đánh giá đúng tầm quan trọng. Rà soát loại bỏ gói quyền lợi bảo hiểm y tế các loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ chi phí lớn, hiệu quả thấp./.