- Ngày 13/01 vừa qua, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức Talkshow với chủ đề: “Vi mạch bán dẫn: Xu hướng công nghệ và nhu cầu nhân lực trình độ cao”.
Bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa trong xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0 đem lại nhiều cơ hội và thách thức, trong đó nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao (NNL CLC), trình độ cao đối với các ngành như Vi mạch bán dẫn đang là “bài toán” cần sự nỗ lực lớn, chung tay giữa nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, trước hết là vai trò nhận thức của người học để trở thành động lực để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
Chương trình nhằm giúp sinh viên hiểu thêm nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế đối với nguồn nhân lực thiết kế vi mạch; cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp của Kỹ sư vi mạch bán dẫn, để từ đó sinh viên thêm tự tin, chủ động định hướng hành trình phấn đấu, chinh phục tri thức, làm chủ công nghệ cao trong tương lai.
Theo Giám đốc Kỹ thuật Synopsys Nguyễn Bảo Anh chia sẻ những kiến thức căn bản về công nghệ sản xuất từ cấu trúc Chip bán dẫn đến các công đoạn thiết kế, chế tạo và nhất là nhu cầu về NNL CLC cần được đào tạo với nền tảng kiến thức, kỹ năng cần thiết ở các trường ĐH có truyền thống, kinh nghiệm và tiềm lực đội ngũ, cơ sở vật chất mà không phải cơ sở đào tạo nào cũng có thể đáp ứng được.
Sinh viên sau tốt nghiệp có nhu cầu ứng tuyển vị trí Kỹ sư thiết kế vi mạch thường yêu cầu về chuyên môn như: Tốt nghiệp các chuyên ngành Thiết kế vi mạch hoặc các ngành gần/liên quan như: Điện tử - Viễn thông, Cơ điện tử, Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Hệ thống nhúng và IoT…; kết quả học tập tốt; có kiến thức cơ bản về MOSFET; hiểu biết về quy trình thiết kế vi mạch…
Năm 2024, cả 03 trường Đại học thành viên đào tạo các lĩnh vực, chuyên ngành kỹ thuật - công nghệ của ĐHĐN đều đã sẵn sàng, mở ngành mới, tuyển sinh ngành Vi mạch bán dẫn để tiên phong đón đầu xu thế cụ thể như: Trường ĐH Bách khoa mở Chuyên ngành Vi điện tử- Thiết kế vi mạch (ngành Điện tử viễn thông); Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch (ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông), dự kiến mở ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo; Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn mở chuyên ngành: Thiết kế vi mạch bán dẫn, An toàn thông tin.