TP.HCM: Huy động 13.000 tỷ đồng “xanh hóa” xe buýt cách nào?

0
0

Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2025-2030, TP.HCM sẽ "xanh hóa" 100% xe buýt. Số kinh phí đầu tư phục vụ cho quá trình chuyển đổi này được xác định trên 13 nghìn tỷ đồng.

Trạm xe buýt Hàm Nghi – Bến Thành.
Trạm xe buýt Hàm Nghi – Bến Thành.

5 năm chuyển đổi 1.874 xe buýt xanh

Hiện nay, toàn TP.HCM đang có 2.089 xe buýt hoạt động trên 128 tuyến, trong đó có 489 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, 15 xe buýt điện.

Theo lộ trình, đến năm 2025, thành phố sẽ chuyển đổi 899 xe sử dụng năng lượng xanh, bao gồm 509 xe hiện hữu (chiếm 36,1% tổng số phương tiện xe buýt) và đến năm 2030, xe năng lượng xanh chiếm 73%. Cùng với đó, Sở GTVT cũng đang nghiên cứu ưu tiên thí điểm 100% xe điện trên huyện Cần Giờ và một số khu vực trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2025.

Về vốn đầu tư xe buýt điện, theo Sở GTVT, dự trù kinh phí đầu tư khoảng 9.559 tỷ đồng cho 3 loại phương tiện điện cỡ nhỏ, trung bình và lớn với giá từ 4 -7 tỷ đồng/xe.

Dự án cũng dự trù kinh phí trợ giá cho các tuyến hiện hữu và các tuyến mở mới số tiền hơn 4.242 tỷ đồng. Tổng kinh phí dự trù chuyển đổi, trợ giá xe buýt xanh là hơn 13 nghìn tỷ đồng.

Với số vốn này, Sở GTVT đề xuất thành phố tiếp tục bố trí kinh phí trợ giá, ưu tiên đối với xe buýt năng lượng xanh và tiếp tục hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư xe buýt điện, trạm sạc pin, trạm tiếp nhiên liệu CNG.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng vận tải Sở GTVT TP.HCM cho biết, kế hoạch chuyển đổi xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP.HCM đang tiếp tục được hoàn thiện và chờ lấy ý kiến của các cơ quan ban, ngành. Dự án hiện đang vướng ở đơn mức định giá cho xe điện để làm cơ sở đấu thầu các bước tiếp theo.

Cần thêm trạm sạc và đơn giá định mức

Là một trong những doanh nghiệp xe buýt lớn nhất thành phố, ông Nguyễn Khánh, đại diện Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp ủng hộ chủ trương phát triển giao thông xanh. Nhưng theo ông, hiện đề án chuyển đổi từ xe buýt chạy diesel sang xe CNG, điện, khí hydro còn khá xa. Mặt khác, các thông tin về chuyển đổi còn chưa rõ.

Theo ông Khánh, muốn doanh nghiệp tham gia chuyển đổi thì phải có đơn giá, định mức cho xe điện như thế nào, chính sách hỗ trợ ra sao. "Kế hoạch phải cụ thể, rõ ràng thì đơn vị mới nghiên cứu, tham gia được. Ngoài ra, chi phí vận hành xe điện như thế nào, hiệu quả ra sao… các đơn vị vận tải cũng chưa biết", ông Khánh nói.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc HTX Vận tải và du lịch Thanh Sơn, đơn vị quản lý 124 xe buýt cho rằng, kế hoạch chuyển đổi xe buýt diesel sang xe CNG, xe điện là chủ trương đúng và xu hướng tất yếu.

Dù vậy, bà Thanh băn khoăn: "Trước mắt thấy xe buýt xanh thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm, khí thải là rất tốt. Tuy nhiên, điều cốt lõi với các doanh nghiệp là phương án hỗ trợ tài chính, giảm lãi vay thế nào thì lại chưa thấy đề cập".

Cho rằng mỗi xe điện phải đầu tư rất nhiều tiền, nên ngoài việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi, bà Thanh cũng băn khoăn về hệ thống các trạm sạc nhiên liệu, năng lượng: "Hiện nay, chưa thấy quy hoạch trạm sạc nhiên liệu, năng lượng cho xe buýt. Nếu hạ tầng chưa chuẩn bị tốt, quá trình chuyển đổi sẽ rất khó khăn".

Để dự án sớm triển khai, Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM nhanh chóng xây dựng và ban hành định mức đơn giá cho xe buýt điện làm cơ sở đấu thầu đặt hàng cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Trong thời gian chờ ban hành định mức, đơn giá chính thức, cho phép áp dụng đơn giá, định mức tạm để thực hiện đặt hàng đối với các tuyến xe buýt điện.

Đối với trạm sạc xe buýt CNG, hiện nay trên địa bàn TP chỉ có 3 trạm tiếp nhiên liệu cho 489 xe. Thực tế các trạm này chỉ đủ năng lực tiếp nhận số xe CNG hiện tại. Do đó, Sở GTVT kiến nghị cần phải đầu tư bổ sung trạm nạp khi số lượng phương tiện chuyển đổi sang CNG tăng lên.

Qua rà soát, Sở GTVT đề xuất có thể lắp đặt trạm sạc tại 16 vị trí. Theo đó, năm 2025 cần lắp 71 trạm cho 390 xe và đến năm 2030 lắp 320 trạm cho 1.874 xe.

Sở GTVT cũng kiến nghị cơ quan liên quan sớm hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng cung cấp nguồn điện theo các giai đoạn trên, đảm bảo cung ứng đủ cho xe buýt điện hoạt động. Về lâu dài, sẽ kết hợp lồng ghép trạm sạc điện với trạm xăng dầu hiện hữu (có diện tích phù hợp) để mở rộng mạng lưới trạm sạc.

Ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó giám đốc HTX vận tải số 15 cho biết, đơn vị ủng hộ dự án xe buýt điện, năng lượng xanh của thành phố. Hiện nay, hợp tác xã cũng đang có 30 xe buýt sử dụng nhiên liệu khí CNG, chiếm 1/3 tổng số xe buýt hiện có. Nhưng để chuyển đổi 100% sang xe buýt xanh, ông Tạo cho rằng nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thành phố sẽ rất khó, cần có sự hỗ trợ từ Trung ương.

(BGT)

https://www.baogiaothong.vn/tphcm-huy-dong-13000-ty-dong-xanh-hoa-xe-buyt-cach-nao-192240111225404077.htm


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.