- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai năm 2024…
Chiều 17/1, tại Hà Nội, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (QLĐĐ và PCTT) - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp biểu dương những nỗ lực của cán bộ Cục QLĐĐ và PCTT - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đã hoàn thành tốt công tác quản lý đê điều và PCTT trong năm qua.
Để thực hiện tốt công tác công tác này trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề Cục QLĐĐ và PCTT tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
Xây dựng Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng nội dung Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông; Kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông do mưa lũ hoặc dòng chảy, sạt lở bờ biển.
Cùng với đó, Cục tiếp tục đàm phán vòng 2 với phía Campuchia về xử lý vấn đề sạt lở bờ sông Hậu – Bassac và rạch Bình Ghi/Chrey Thom biên giới Việt Nam – Campuchia. Tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia công tác trực ban phòng, chống thiên tai.
Quang cảnh hội nghị |
Cục QLĐĐ và PCTT tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; tham mưu kịp thời để Ban Chỉ đạo chỉ đạo các địa phương sẵn sàng ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời báo cáo, tổng hợp thiệt hại, đề xuất các biện pháp khắc phục khẩn cấp, hỗ trợ trung, dài hạn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả.
Cục tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, phòng chống sạt lở, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ, Cục QLĐĐ và PCTT cần tập trung triển khai các nội dung thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng (Đề án 553); chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đảm bảo kế hoạch giải ngân 2024. Tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho các cấp chính quyền, cộng đồng.
Cục QLĐĐ và PCTT triển khai nhiệm vụ Quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức lập các quy hoạch: Quy hoạch đê điều hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; Quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình...
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục QLĐĐ và PCTT tổ chức triển khai 4 dự án điều tra cơ bản năm 2024 “Điều tra, đánh giá hiện trạng đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang” và “Điều tra, đánh giá hiện trạng cây chắn sóng bảo vệ đê biển khu vực Trung Bộ”; “Điều tra, giám sát hiện trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các cảnh báo, giải pháp xử lý (giai đoạn 3)”; “Điều tra hiện trạng cây chắn sóng bảo vệ đê biển, đê cửa sông khu vực Nam Bộ”..
Đồng thời hoàn thành Kế hoạch Cải cách hành chính 2024, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai năm 2024…
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng 3, trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai.
Năm 2023, tại Việt Nam, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.145 trận thiên tai (21/22 loại hình), đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng và là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích (giảm 3% so với năm 2022). Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng (bằng 42% so với năm 2022).