- Từ tháng 12/2023 đến nay, tại tỉnh Ninh Bình, tình trạng trẻ em nhập viện gia tăng với các triệu chứng như sốt cao, ho nhiều, uống thuốc không hạ sốt, chảy dịch mũi nhiều, mệt mỏi, ăn uống kém, được xét nghiệm và chẩn đoán mắc cúm A.
Đây là một loại cúm mùa có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.
Các bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình (Ảnh: Báo Ninh Bình) |
Theo ghi nhận Trung tâm Y tế các huyện Nho Quan, Gia Viễn, thời gian gần đây, lượng bệnh nhân là trẻ em tới khám và điều trị do mắc cúm A tăng cao. Các cơ sở y tế đã ghi nhận nhiều trường hợp các bé lây chéo cúm A ở trường học. Nhiều trẻ bị mắc và lây cho cả gia đình, xét nghiệm đều cho kết quả mắc cúm A.
Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị gia tăng nhanh trong vài tuần gần đây. Từ đầu tháng 12/2023 đến ngày 16/1/2024, đã có 117 lượt bệnh nhi đến khám do các triệu chứng của cúm, trong đó đã có 45 bệnh nhi nhập viện điều trị do mắc cúm A, trung bình mỗi ngày có 10 trẻ.
Bác sỹ Phạm Thị Thanh Nga, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình cho biết, đa phần các bệnh nhân khi vào viện đều trong tình trạng sốt cao, sốt kéo dài, thậm chí có những bệnh nhân có tình trạng co giật, ho khò khè kèm theo những biến chứng của cúm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp. Khi tiếp nhận các bệnh nhân mắc cúm, các bác sỹ phải xử lý để hạ sốt cho bệnh nhân, sử dụng kết hợp các loại thuốc. Tùy từng tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sỹ có phác đồ điều trị và dự phòng khác nhau. Thông thường, các trường hợp cúm đơn thuần, điều trị khoảng 3 ngày là ra viện; trường hợp cúm có bội nhiễm phải điều trị từ 7 đến 10 ngày.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 9.338 trường hợp mắc cúm. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 1/2024 đến ngày 16/1/2024, địa phương đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc.
Bác sỹ Trần Văn Thiện, Phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do các chủng virus cúm A như H1N1, H5N7, H7N9… gây nên. Những chủng virus này rất dễ lây lan, phát sinh thành dịch. Virus cúm A có nhiều trong trong dịch tiết nước bọt, nước mũi… Do đó, con đường lây truyền phổ biến nhất của cúm A là qua đường giọt bắn.
Bệnh cúm A thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa. Triệu chứng của cúm A rất khó phân biệt với các bệnh viêm đường hô hấp khác. Để nhận biết trẻ có phải mắc cúm A hay không, cha mẹ thấy các dấu hiệu sau phải test cúm cho con: Đau họng và ho; hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; sốt và ớn lạnh; nhức đầu và nhức mỏi cơ thể; cảm thấy mệt mỏi; đau bụng, nôn, tiêu chảy.
Bác sỹ Trần Văn Thiện cũng đưa ra khuyến cáo, để phòng ngừa cúm A, cha mẹ nên cho trẻ tiêm vaccine cúm đầy đủ mỗi năm để ngăn ngừa bệnh hiệu quả. Trước tình trạng dịch cúm A đang gia tăng, các bậc phụ huynh phải có các biện pháp phòng cúm như: Hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, tránh tụ tập, hạn chế tiếp xúc với các trường hợp có các triệu chứng như sốt, hắt hơi, chảy mũi, ho… Ngoài ra, cha mẹ nên có các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên cho trẻ. Đặc biệt, do cúm A là dịch bệnh có thể gây suy giảm miễn dịch và biến chứng bội nhiễm sau cúm, các bậc phụ huynh cần có chế độ dinh dưỡng tích cực cho trẻ như: Ăn chín, uống sôi, bổ sung nhiều vitamin từ trái cây theo mùa để hạn chế tình trạng biến chứng sau cúm.