- Đây là mục tiêu kế hoạch Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành về nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn thành phố năm 2024.
Để thực hiện mục tiêu, ngành y tế xác định 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: công tác thông tin truyền thông; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đảm bảo nhân lực phục vụ khám, chữa bệnh tại trạm y tế; triển khai các hoạt động chuyên môn theo nguyên lý y học gia đình; ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả.
Ảnh minh họa |
Trong đó, công tác truyền thông, vận động để nhân dân tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Phổ biến các kiến thức về bảo vệ sức khỏe, chú trọng rèn luyện thể lực, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, các biện pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng… nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và các biện pháp phòng chống đối với từng nguy cơ. Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết của người dân đối với mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình để người dân thấy được lợi ích của mô hình này khi đến khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã/phường/thị trấn. Từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại tuyến cơ sở, thu hút người dân sử dụng các dịch vụ y tế ngay tại trạm y tế xã/phường/thị trấn, giảm tải cho tuyến trên.
Đối với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trạm y tế, xây dựng kế hoạch mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân.
Đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời thuốc, vật tư, hóa chất cho các trạm y tế cho công tác phòng chống dịch và khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế, đặc biệt các thuốc điều trị các bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp). Tổ chức quầy thuốc tại các trạm y tế xã nhằm cung cấp đầy đủ thuốc điều trị cho người dân tại trạm y tế.
Đối với việc đảm bảo nhân lực phục vụ khám, chữa bệnh, chủ động rà soát nhân lực, điều động và ưu tiên bố trí nhân lực đảm bảo cơ cấu, số lượng cán bộ cho các trạm y tế. Các trung tâm y tế quận/huyện/thị xã căn cứ đề án vị trí việc làm được phê duyệt tuyển dụng và bố trí đủ số lượng và cơ cấu cán bộ cho trạm y tế theo quy định. Các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn cho các bác sĩ công tác tại các trung tâm y tế, trạm y tế để đáp ứng năng lực chuyên môn khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế.
Các trung tâm y tế chủ động đề xuất, cử cán bộ đi đào tạo về y học gia đình. Bố trí nhân lực bác sĩ tại đơn vị cho phù hợp và đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ nhân lực khi thực sự cần thiết. Tổ chức đào tạo, tập huấn về chuyên môn cho cán bộ y tế công tác tại trạm y tế.
Tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn, thực hiện hiệu quả các chương trình, hoạt động tiêm chủng mở rộng, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời… Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu ban đầu. Thực hiện quản lý sức khỏe, khám, điều trị các bệnh thường gặp. Tổ chức khám chữa bệnh về y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.
Các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành hỗ trợ chuyên môn cho các trạm y tế: tổ chức tập huấn, đi tuyến, hội chẩn trực tiếp, hội chẩn từ xa. Thực hiện phê duyệt danh mục kỹ thuật, phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật cho các trạm y tế. Chuyển người bệnh lên tuyến trên theo yêu cầu chuyên môn phù hợp và tiếp nhận người bệnh đã được điều trị ổn định từ tuyến trên chuyển về để tiếp tục theo dõi, điều trị theo quy định.
Tăng cường quản lý sức khỏe cộng đồng, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân theo quy định của Bộ Y tế; triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử; quản lý, chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình cho cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn quản lý. Thường xuyên cập nhật vào phần mềm quản lý sức khỏe, tập trung quản lý các trường hợp mắc bệnh mạn tính, tư vấn và khám bệnh, cấp thuốc điều trị tại trạm y tế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động của trạm y tế, thực hiện liên thông dữ liệu khám chữa bệnh, tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng COVID-19 với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử. Cập nhật dữ liệu thường xuyên, liên tục ngay sau khi người dân đi khám, chữa bệnh hoặc được khám sức khỏe.
Đồng thời, tăng cường giám sát và đôn đốc thực hiện triển khai trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình.