Năm 2023, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp thành phố.
Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền
Chỉ số SIPAS năm 2022 của Hà Nội về tiếp cận dịch vụ, chỉ số hài lòng về công chức giải quyết thủ tục hành chính có tỷ lệ tăng ấn tượng 4,9%, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PAR INDEX xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho tỷ lệ đúng và trước hẹn rất cao, toàn thành phố đạt 99,8%. Dự báo kết quả Chỉ số PAR INDEX của thành phố năm 2023 sẽ tiếp tục nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu.
Đáng chú ý, sau một năm thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền, đến nay, 708/1.895 thủ tục hành chính của thành phố đã có phương án ủy quyền giải quyết, đạt gần 40%. Thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền giải quyết 578 thủ tục hành chính, đạt 94%; 100% các thủ tục hành chính được ban hành quy trình nội bộ thủ tục hành chính giải quyết sau ủy quyền.
Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Ảnh: ITN
Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Nguồn: ITN
Điểm nhấn trong công tác cải cách hành chính của thành phố năm vừa qua, chính là việc ban hành và triển khai Bộ chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó, giảm từ 162 tiêu chí, tiêu chí thành phần xuống còn 102 tiêu chí, tiêu chí thành phần.
Với những đổi mới này, năm 2023 nhiều mô hình sáng kiến cải cách hành chính ra đời, tiêu biểu như mô hình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới tại quận Hoàn Kiếm; mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính (chatbot) tại UBND quận Cầu Giấy; mô hình ngày thứ 6 xanh giải quyết thủ tục hành chính tại UBND huyện Hoài Đức; sáng kiến đổi mới phương pháp rà soát thủ tục hành chính nội bộ của ngành, tái cấu trúc thủ tục hành chính lĩnh vực nội vụ của Sở Nội vụ Hà Nội…
Về chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, sau 2 năm thực hiện, Hà Nội đang từng bước xây dựng được cơ sở dữ liệu dân cư đúng, đủ, sạch, sống, nhằm tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số trong xã hội. Cụ thể, hơn 7 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân; hơn 5,9 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử được thu nhận, đạt 100%.
Trong đó, thành phố kích hoạt hơn 5,1 triệu tài khoản định danh mức 1 và mức 2, đạt hơn 85%; gần 7,1 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ với dữ liệu dân cư, có thể sử dụng căn cước công dân để khám, chữa bệnh; 718/718 các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thành phố áp dụng dùng căn cước công dân để tra cứu thông tin khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 50.000 chữ ký được cấp miễn phí cho công dân Thủ đô…
Nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Năm 2024, thành phố đặt ra nhiệm vụ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06; tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành; đẩy mạnh xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung thành phố, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương; huy động nguồn lực cho cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; đẩy mạnh truyền thông tạo đồng thuận xã hội.
Thành phố cũng tiếp tục thực hiện 7 phấn đấu trong chuyển đổi số - cải cách hành chính - Đề án 06, đó là: Nhận thức đầy đủ - tầm nhìn dài hạn - tư duy sáng tạo - giải pháp thông minh - hành động quyết liệt - hiệu quả thực chất - phục vụ Nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị, các đơn vị thường xuyên báo cáo để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, nhằm tăng cường liên thông các ngành. Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, nơi nào có người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt, tạo được sự đồng thuận, truyền được cảm hứng cho đội ngũ cán bộ, lan tỏa đến người dân thì nơi đó, việc chuyển đổi số mới tạo hiệu quả cao.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, năm 2023, toàn thành phố đã có sự thay đổi sâu sắc về nhận thức từ lãnh đạo, người dân đến từng cấp xã, phường, tổ dân phố.
Từ thực tiễn thành phố hợp nhất 3 Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, đây là thuận lợi lớn của Hà Nội, từ đó, tích hợp được các kế hoạch, nhiệm vụ triển khai, tiết kiệm nguồn lực và thời gian.
Đối với việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, mục đích cao nhất là người hưởng an sinh xã hội không chỉ nhận tiền thuận lợi nhất mà còn phải thuận tiện trong chi tiêu.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, tích hợp các nhiệm vụ với kế hoạch, tiến độ cụ thể tới từng sở, ngành, quận, huyện; bám sát các chỉ đạo của Trung ương; đồng thời cần quyết tâm, quyết liệt, làm vì danh dự như đã thực hiện với việc giải phóng mặt bằng cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô...
(ĐBND)
https://daibieunhandan.vn/doi-song/dot-pha-manh-me-trong-cai-cach-hanh-chinh-chuyen-doi-so-nam-2024-i358122/