- Góp ý cho Dự thảo Luật Dược, Bộ Công an đề nghị bỏ nội dung quy định trách nhiệm của Bộ Công an trong phạm vi, quyền hạn của mình đối với việc phối hợp với Bộ Y tế quản lý kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược...
Bộ Tư pháp vừa công bố ý kiến của các bộ ngành, cơ quan đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Đóng góp cho Dự thảo Luật về quy định hình thức kinh doanh mới, Bộ Quốc phòng cho biết, Thuốc là hàng hóa đặc biệt, thuốc phải bán theo đơn. Vì vậy cần xem xét lộ trình cho phép với loại hình kinh doanh mới, bảo đảm nhà phân phối và người mua không lạm dụng, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp quản lý chặt chẽ.
Giải trình về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết đã tiếp thu tại Dự thảo Luật. Theo đó, danh mục các thuốc được bán theo loại hình kinh doanh mới (thương mại điện tử) sẽ được Bộ Y tế quy định. Khi xây dựng các danh mục này Bộ Y tế sẽ xem xét liên quan đến thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc phải kê đơn.
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, trong phần góp ý của mình, Bộ Công Thương đề nghị Điểm a khoản 13 Điều 1 sửa lại như sau: Các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử qua: Website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và sàn giao dịch thương mại điện tử đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật về thương mại điện tử cụ thể như sau: Cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, bán buôn thuốc được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử đối với các thuốc thuộc phạm vi kinh doanh; cơ sở bán lẻ thuốc được bán thuốc thuộc danh mục của Bộ Y tế quy định được phép bán theo phương thức thương mại điện tử và phù hợp với phạm vi kinh doanh; được đăng thông tin về sản phẩm mà không phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý, bao gồm: bao bì thương phẩm của thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng nội dung thông tin về Tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn thuốc đã được phê duyệt.
Ảnh minh họa |
Đối với nội dung không được kinh doanh thuốc trên các nền tảng mạng xã hội và livestream trực tuyến tại điểm này, Bộ Công Thương đề nghị xem xét, bổ sung vào Điều 6 (Các hành vi bị nghiêm cấm) của Luật Dược.
Giải trình trước đề nghị này, Bộ Y tế cho biết: Nội dung không được kinh doanh thuốc trên các nền tảng mạng xã hội và livestream trực tuyến là điều khoản loại trừ. Tham khảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thương mại điện tử, không có quy định tương tự thuộc các hành vi nghiêm cấm. Do đó, Bộ Y tế đề xuất giữ nguyên như dự thảo.
Trong phần góp ý của mình, Bộ Công Thương cũng đề nghị làm rõ quy định về việc các cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử “được đăng thông tin về sản phẩm mà không phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý, bao gồm: bao bì thương phẩm của thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng nội dung thông tin về Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, nhãn thuốc đã được phê duyệt”.
Theo Bộ Công Thương, việc cung cấp thông tin về thuốc đang được quy định chặt chẽ tại Luật Dược và các văn bản hướng dẫn Luật này, ví dụ đối với thuốc kê đơn, người được cung cấp thông tin thuốc kê đơn phải là người hành nghề khám, chữa bệnh; nội dung thông tin thuốc cho người hành nghề khám, chữa bệnh phải tuân thủ các quy định tại Luật Dược và các văn bản hướng dẫn… Do đó, với quy định như trên, tất cả các đối tượng đều có thể tiếp cận thông tin về sản phẩm.
Tiếp thu ý kiến này, Bộ Y tế cho biết danh mục các thuốc được bán theo các loại hình kinh doanh thương mại điện tử sẽ được Bộ Y tế quy định. Khi xây dựng Danh mục này Bộ Y tế sẽ xem xét để phù hợp với các quy định liên quan đến thông tin thuốc.
Góp ý cho Khoản 2 Điều 1 dự thảo bổ sung khoản 3a Điều 4 Luật Dược, Bộ Công an đề nghị bỏ nội dung quy định trách nhiệm của Bộ Công an trong phạm vị, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Y tế trong việc quản lý kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược, do việc quản lý kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, hoạt động thương mại điện tử có nhiều yếu tố phức tạp hơn các hoạt động thương mại truyền thống do đặc thù về không gian giao dịch. Việc quản lý phương thức kinh doanh mới này đòi hỏi phải có kỹ năng và nghiệp vụ kỹ thuật đặc biệt nên Bộ quản lý chuyên ngành rất cần có sự phối hợp của Bộ Công an.
Theo đó, Dự thảo quy định: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Y tế trong việc quản lý kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược".