- Vừa qua, GS.TS Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã có buổi đón tiếp và làm việc với GS. Khưu Dũng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thanh Hoa.
Tại buổi tiếp, Giám đốc Lê Quân bày tỏ sự ấn tượng trước những thành tựu và đóng góp của cơ sở giáo dục này đối với sự phát triển của nền giáo dục Trung Quốc. Giám đốc Lê Quân tin rằng, những chia sẻ về quá trình phát triển mạnh mẽ của Đại học Thanh Hoa sẽ là bài học quý giá không chỉ với ĐHQGHN mà còn đối với giáo dục đại học của Việt Nam.
Theo Giám đốc Lê Quân, ĐHQGHN đã có triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong tất cả các hoạt động liên quan tới đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với gần 30 trường ĐH hàng đầu như: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Chính pháp Trung Quốc, Trường Đại học Sư phạm và Kỹ Thuật Quảng Tây; Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây; Trường Đại học Ngôn ngữ và Văn hoá Bắc Kinh; Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Bắc …
Hiện nay, số lượng sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các đơn vị trong ĐHQGHN là gần 600 sinh viên. Nhiều hình thức học tập được triển khai như đào tạo ngắn hạn, đào tạo chính quy lấy bằng của ĐHQGHN và các chương trình giao lưu văn hóa, thực tập nghiên cứu sinh. Các hoạt động hợp tác trao đổi giảng viên, cán bộ với các trường đại học Trung Quốc cũng được triển khai hiệu quả, trong năm qua, có hơn 100 lượt cán bộ, giảng viên Trung Quốc đã tới ĐHQGHN tham gia hoạt động giảng dạy, và nâng cao năng lực chuyên môn, cũng như tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế và trao đổi học thuật.
Thực hiện vai trò dẫn dắt của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục quốc dân, ĐHQGHN được lãnh dạo Đảng và Nhà nước Việt Nam giao xây dựng đề án phát triển trở thành đại học trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2030. Ông bày tỏ mong muốn bên cạnh hợp tác về trao đổi sinh viên, Đại học Thanh Hoa sẽ chia sẻ kinh nghiệm về kết nối doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực cho phát triển, hội nhập quốc tế cũng như triển khai hợp tác trao đổi cán bộ và nhà khoa học. Ông cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh Trung Quốc và Việt Nam đang thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả thì ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa sẽ ngày càng có nhiều cơ hội trao đổi, hợp tác để phát huy vai trò và vị thế là các đại học hàng đầu mỗi quốc gia.
Tại buổi làm việc, GS. Khưu Dũng bày tỏ sự ấn tượng trước những thành tựu mà ĐHQGHN đạt được, đồng thời bày tỏ mong muốn hai đại học sẽ xây dựng quan hệ đối tác lâu dài trong thời gian tới. Ông chia sẻ, cùng với sự hỗ trợ và ủng hộ của Chính phủ Trung quốc thì hợp tác, kết nối với doanh nghiệp và tăng cường hợp tác quốc tế là những giải pháp giúp đại học này có nguồn lực tốt hơn phục vụ phát triển.
Khẳng định lại ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, GS. Khưu Dũng mong muốn được mở rộng, tăng cường giao lưu hợp tác giáo dục đại học giữa Trung Quốc với Việt Nam, đặc biệt là Đại học Thanh Hoa trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo nhân tài.
Cũng tại buổi làm việc, GS. Khưu Dũng và GS. Lê Quân đã trao đổi về các lĩnh vực hợp tác triển vọng giữa hai đại học như trí tuệ nhân tạo, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ, khoa học máy tính… và sẽ được hiện thực hóa bằng việc ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Năm 2007, ĐHQGHN và Đại học Thanh hoa đã ký Thỏa thuận hợp tác cấp học bổng cho sinh viên sau đại học của ĐHQGHN. Đối với thạc sĩ (10.000 NDT/tháng-12 tháng) và miễn học phí. Học viên có thể nộp đơn tiếp tục nhận học bổng cho năm thứ hai. Đối với tiến sĩ (20.000 NDT/tháng-1 năm). Học viên có thể nộp đơn tiếp tục nhận học bổng hoặc một phần của học bổng cho 3 năm nếu kết quả nghiên cứu tốt.
Năm 2010, hai đại học đã ký thỏa thuận hợp tác về trao đổi sinh viên. Năm 2019, ĐHQGHN đã hợp tác với Trường Tài chính, ĐH Thanh Hoa (PBC School of Finance, Tsinghua University) tổ chức khóa đào tạo cho cán bộ, cựu sinh viên ĐH Thanh Hoa – Tsinghua PBCSF Vietnam Navigating Program.