- 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần công khai minh bạch, phòng chống tiêu cực tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thông tin từ cuộc họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bình Định cho biết, năm 2023 vừa qua, công tác chuyển đổi số tại tỉnh Bình Định đạt được những kết quả nổi bật.
Trong đó, đáng chú ý là Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp 846 dịch vụ công trực tuyến một phần và 941 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình);
100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần công khai minh bạch, phòng chống tiêu cực tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh (Data Center) cơ bản đảm bảo an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin: hệ thống văn phòng điện tử, thư điện tử, các trang thông tin điện tử, trục liên thông kết nối, hệ thống dịch vụ đô thị thông minh.
Trong năm 2024, tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung xây dựng các nền tảng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, đồng bộ; ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng và nâng cao an toàn thông tin; phát triển chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời, phát triển kinh tế số, xã hội số góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn - Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bình Định |
Ban chỉ đạo CĐS tỉnh cũng đưa ra mục tiêu cụ thể ở chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đi kèm với đó là 12 nhóm nhiệm vụ, gồm: Rà soát, hoàn thiện thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, nhận thức số, nền tảng số cơ bản, dữ liệu số, An toàn thông tin mạng, DN công nghệ số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng không gian trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ số.
Trong đó, phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đạt 90% đối với cấp tỉnh, 80% đối với cấp huyện và 60% đối với cấp xã; Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ nhập dữ liệu một lần; Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Về kinh tế số, phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP của tỉnh…