- Các bác sỹ Bệnh viện Đột quỵ-Tim mạch Cần Thơ đã điều trị hồi phục thành công cho một bệnh nhân nam (sinh năm 1982) bị di chứng mất ngôn ngữ do đột quỵ cách đây 6 năm.
Thông tin từ Bệnh viện Đột quỵ-Tim mạch Cần Thơ cho biết Bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho một trường hợp bệnh nhân bị mất ngôn ngữ sau đột quỵ hiếm gặp.
Anh Đ.T.A (sinh năm 1982, ngụ tại Thái Nguyên) đã trải qua đột quỵ cách đây 6 năm. Thời điểm đó, anh đã không được cấp cứu kịp thời trong khung giờ vàng, dẫn đến di chứng tổn thương não trái gây nói khó.
Thêm vào đó, do di chứng hậu đột quỵ, khả năng viết, đọc và nói của anh A bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bệnh nhân A (bìa trái) được hồi phục ngôn ngữ sau 6 năm bị đột quỵ. (Ảnh: Bệnh viện Đột quỵ-Tim mạch Cần Thơ) |
Trong 6 năm qua, anh A đã được gia đình đưa đi điều trị tại nhiều bệnh viện và tham gia vào các buổi tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng; tuy nhiên, khả năng tiến triển rất chậm.
Tháng 10/2023, gia đình quyết định đưa anh A từ Thái Nguyên vào Cần Thơ điều trị.
Sau 3 tháng điều trị, ngày 10/1/2024, sức khỏe của anh A đã có sự cải thiện rõ rệt. Anh không chỉ nói được những câu dài, mà còn có thể viết chữ như bình thường, tâm lý không còn bi quan, trầm cảm như trước đây…
Tiến sỹ-bác sỹ Trần Chí Cường, Trưởng kíp điều trị cho anh A cho biết bệnh nhân bị ảnh hưởng đến chức năng ngôn ngữ sau đột quỵ do vị trí tổn thương trên não thường là thùy thái dương bên trái (trung tâm ngôn ngữ) với người thuận tay phải.
Dạng đột quỵ này rất hiếm gặp nên dễ bị bỏ sót và điều trị muộn… Nếu mức độ bệnh nặng, có thể gây mất ngôn ngữ hoàn toàn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Do đó, với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, cùng với kinh nghiệm của các bác sỹ Bệnh viện Đột quỵ-Tim mạch Cần Thơ, loại đột quỵ của anh A được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng hướng.
Tiến sỹ-bác sỹ Trần Chí Cường khuyến cáo người dân nếu thấy người nhà có các dấu hiệu như mặt méo, yếu liệt tay chân, nói khó… phải nghĩ ngay đến đột quỵ.
Hiện nay, trong cộng đồng vẫn còn nhiều người không biết, chủ quan, nghĩ đó là các dấu hiệu của trúng gió khiến bệnh nhân không được đưa đến cơ sở y tế kịp giờ vàng, bỏ lỡ cơ hội được cứu sống trên 90%./.